Trói buộc bởi cơ chế, chính sách
Đây là một trong các nội dung được bàn tới tại Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam năm 2023, tổ chức sáng 3/6 tại Hà Nội. Sự kiện do Tổng cục TDTT, Ban Kinh tế Trung ương, Uỷ ban Olympic Việt Nam và Công ty Vietcontent phối hợp tổ chức.
Trên thế giới, thể thao ở nhiều nước đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong hệ thống kinh tế. Kinh tế thể thao trở thành hệ thống đồ sộ, liên kết nhiều ngành dịch vụ khác để tạo công ăn việc làm, lợi nhuận, tạo ra các giá trị xã hội tích cực và đóng góp đáng kể vào ngân sách quốc gia. Việt Nam hưởng lợi từ các hiệp định thương mại, hoạt động thể thao thời gian qua cũng có nhiều thành tựu. Dù vậy, chúng ta vẫn chưa huy động được hết các nguồn lực để thể thao phát triển bền vững.
Thể thao Việt Nam gặt hái được ngày càng nhiều thành tựu ở SEA Games, Asiad nhưng chưa tạo được nguồn thu đúng với tiềm năng. (ảnh Hữu Phạm) |
Tại Diễn đàn sáng nay, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt cho rằng, một trong những vướng mắc lớn với Việt Nam là vấn đề cơ chế, chính sách liên quan quản lý, sử dụng cơ sở vật chất phục vụ thể thao. Theo ông Đặng Hà Việt, ở các nước phát triển có quỹ đất dành cho thể thao, phục vụ người dân rèn luyện sức khoẻ, tập luyện. Doanh nghiệp, CLB có thể thuê 50-100 năm để khai thác.
“Trong khi chúng ta thiếu cơ chế để triển khai. Tôi lấy ví dụ ngay với bóng đá, hiện sân Hàng Đẫy đang phải để cho cả 3 CLB cùng thi đấu (Viettel, Công An Hà Nội, CLB Hà Nội-pv). CLB chuyên nghiệp phải có sân nhưng chúng ta chưa có cơ chế giao. Ở ta sân do nhà nước quản lý, nguồn thu từ sân lớn mà nếu không để các CLB khai thác thì không được. Thất thoát nguồn thu rất lớn. Đây là nút thắt đầu tiên”-Tổng cục trưởng Đặng Hà Việt cho biết.
Lấy ví dụ từ Hàn Quốc, ông Lim Song-Chủ tịch Công ty VSP đang kinh doanh thể thao tại Việt Nam, cho biết trước đây kinh tế thể thao Hàn Quốc cũng chưa phát triển. Tuy nhiên sau khi có định hướng, nước này đẩy nhanh tiến độ đầu tư biến thể thao thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hoạt động kinh doanh thể thao đem lại lợi nhuận rất lớn.
Đặt cược thể thao: gà chưa thể đẻ trứng vàng
Tại Diễn đàn hôm nay, các đại biểu đã thảo luận về khả năng tạo ra tiền rất lớn của nhiều giải đấu thể thao. Nhiều giải đấu tại Mỹ như bóng chày, bóng bầu dục, bóng rổ NBA hay ngoại hạng Anh đều có doanh thu trên 5 tỷ đô-la. Trong đó, nguồn thu từ bản quyền truyền hình chiếm 50-70% doanh thu giải đấu.
Giám đốc điều hành giải bóng rổ VBA của Việt Nam Trần Chu Sa chia sẻ, với kinh nghiệm tổ chức VBA ở Việt Nam thì yêu cầu tạo cộng đồng khách hàng và “tệp” khách hàng rất quan trọng. Về mặt này, VBA khá thành công khi các bước đi đầu tiên được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp. “Nói tới kinh tế thể thao thì phải nói tới đối tượng khách hàng, khán giả. Để mở rộng tập khách hàng thì chúng tôi phải hướng đến thêm khách hàng mới, giữ chân khách hàng cũ. VBA đã trải qua 5 bước từ bước đầu tiên để khách hàng biết tới giải đấu, quen và quan tâm, yêu thích…mỗi bước đều có những thách thức khác nhau”-ông Trần Chu Sa cho biết.
Mô hình dòng tiền trong hệ sinh thái thể thao. Với dân số 100 triệu người, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng |
Theo ông Trần Chu Sa, tệp khách hàng của VBA là những người trẻ, thói quen và thị hiếu thay đổi. Chính vì vậy BTC luôn phải nắm bắt để thích ứng. “Khách hàng trẻ thường thích tương tác qua mạng xã hội, chúng tôi phải thay đổi nội dung làm sao để hấp dẫn. Và trẻ thì hay thay đổi, trước đây Facebook là kênh chính nhưng hiện nay là Tik-tok”, ông Trần Chu Sa dẫn ví dụ.
Một trong những hoạt động khiến sự quan tâm của công chúng tới các giải thể thao tăng lên là đặt cược thể thao. Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Đặng Hà Việt cho biết đây là vấn đề nhạy cảm ở Việt Nam. Theo tính toán, số tiền chảy vào hoạt động đặt cược, xổ số thể thao có thể lên tới 100-200 nghìn tỷ/năm và hiện thất thoát qua các trang cá cược. Ông Đặng Hà Việt cho biết chỉ riêng bóng rổ, Việt Nam đã nhận được những đề nghị đầu tư cho hoạt động đặt cược lên tới 300.000 đô-la/giải.
“Đặt cược thể thao phải xác định là hoạt động giải trí. Người xem qua đó quan tâm nhiều hơn tới giải đấu, nguồn tiền quảng cáo giải thu về sẽ lớn hơn. Tuy nhiên ở ta nhạy cảm, thiếu quy định, trong khi nếu thực hiện được sẽ tạo nguồn thu ngân sách, tránh thất thoát ra nước ngoài đồng thời có nguồn tái đầu tư cho thể thao”-ông Đặng Hà Việt cho biết.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Xã hội Ban kinh tế Trung ương cho rằng để kinh tế thể thao trở thành ngành kinh tế quan trọng thì tới đây cần có sự điều chỉnh chính sách, cơ chế. “Nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh thể thao ở Việt Nam đã tương đối phát triển. Chúng ta có thể thấy nhiều thương hiệu thể thao trong nước và cả nước ngoài cũng đến Việt Nam. Với 100 triệu dân, Việt Nam là thị trường tiềm năng. Chúng ta có thể hy vọng trong tương lai Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất hàng hoá thể thao lớn trên thế giới”-ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.