ASEAN quan ngại về tình hình biển Đông

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: ASEAN
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: ASEAN
TP - Đến dự các hội nghị ASEAN, người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc vừa nói Bắc Kinh và 10 nước ASEAN đã hoàn thành vòng rà soát đầu tiên dự thảo đàm phán đơn nhất về Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) trước thời hạn dự kiến. Nhưng thực tế tình hình trên biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng.

Dự thảo đàm phán đơn nhất sẽ trở thành nền tảng cho các cuộc thảo luận trong tương lai về một bộ quy tắc để quản lý và giải quyết tranh chấp trên một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới mà Bắc Kinh nói sẽ hoàn tất vào năm 2021. Gặp các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Bangkok, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 31/7 cho rằng việc này là “tiến triển mới và lớn”.

“Đây là một bước quan trọng để tiến tới mục tiêu hoàn tất tham vấn trong thời gian 3 năm”, hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua dẫn lời ông Vương Nghị.

Ông Vương cũng cảnh báo các nước bên ngoài chớ gieo rắc bất hòa giữa Bắc Kinh với các nước ASEAN bằng cách chơi quân bài biển Đông, nói rằng bản thân các nước này có thể tự giải quyết khác biệt.

“Chúng tôi nghĩ các nước ngoài khu vực không nên cố ý khuếch đại những khác biệt hay tranh chấp”, ông Vương nói khi được hỏi về sự tham gia của Mỹ. “Các nước ngoài khu vực không nên tận dụng những khác biệt đó để gieo rắc hoài nghi giữa Trung Quốc với các nước ASEAN”, ông Vương cảnh báo.

Tuy nhiên, tuyên bố chung của các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đưa ra tối 31/7 ghi nhận quan ngại về các hoạt động tôn tạo bồi đắp, đặc biệt là những sự cố nghiêm trọng đang diễn ra trên biển Đông, đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và gây phương hại tới hoà bình, an ninh và ổn định khu vực.

ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, kêu gọi các bên kiềm chế, không quân sự hóa và tránh có các hành động làm phức tạp tình hình; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.

Các nước ASEAN cam kết duy trì tiếp tục nỗ lực thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm đạt COC hiệu lực, thực chất.

Tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hoá, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo UNCLOS 1982. Nghiêm trọng hơn, đây là diễn biến tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hoá các cấu trúc tranh chấp trên biển. Các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, vi phạm DOC và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC.

Phó Thủ tướng đề nghị ASEAN giữ vững đoàn kết và tiếng nói chung, tái khẳng định các nguyên tắc và cam kết đối với hoà bình và ổn định, lên tiếng kêu gọi kiềm chế, không có các hành động đơn phương làm phương hại tiến trình đối thoại và hợp tác khu vực, cản trở hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven biển; nỗ lực xây dựng một COC hiệu lực, thực chất.

Không chỉ Việt Nam lên tiếng, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. vừa xác nhận đã gửi phản đối ngoại giao đến Bắc Kinh về chuyện các tàu Trung Quốc bao vây một đảo do Philipines kiểm soát.

Tháng 6, tàu cá Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Philippines ở gần bãi Cỏ Rong, bỏ mặc 22 ngư dân Philippines trên biển. Nhưng Trung Quốc chỉ gọi đây là một sự cố.

Hôm 27/7, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói 5 tàu chiến Trung Quốc đã đi qua lãnh hải 12 hải lý của Manila trong tháng này mà không thông báo cho chính phủ Philippines. Ông Lorenzana gọi đó là hành động “không tuân thủ quy tắc hay phép lịch sự thông thường”.

Theo chuyên gia về biển Đông Carl Thayer, việc Trung Quốc gia tăng những hành động như vậy trên biển Đông gần đây không phải chuyện tình cờ, mà nhằm đáp trả Chiến lược Ấn Độ- Thái Bình Dương của Mỹ, đáp trả việc Mỹ đưa máy bay ném bom và gia tăng hoạt động tuần tra trên biển Đông.

Tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hoá, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép.

MỚI - NÓNG