> Biển Đông vẫn là thách thức lớn với ASEAN
> Trung - Nhật đua nhau “tấn công quyến rũ” Đông Nam Á
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh khẳng định như vậy trong cuộc họp báo chiều 10/12.
Ngày 5/11, tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) có cuộc gặp với Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh. Ảnh: TTXVN. |
Theo ông Phạm Quang Vinh, Hội nghị cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Nhật Bản từ ngày 12 đến 15/12 sẽ là dấu mốc mới thúc đẩy quan hệ hợp tác đối tác chiến lược ASEAN - Nhật Bản tiếp tục phát triển trên lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, thúc đẩy sự hỗ trợ, ủng hộ của Nhật Bản khi ASEAN xây dựng cộng đồng.
ASEAN và Nhật Bản sẽ thông qua những tuyên bố để tạo khuôn khổ hợp tác mới ở tầm cao mới từ nay cho đến khi ASEAN xây dựng cộng đồng vào năm 2015 và giai đoạn sau đó, ông Vinh cho biết.
Bình luận về tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông và khả năng lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông của Trung Quốc, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh khẳng định, Việt Nam rất muốn cùng ASEAN và các nước thúc đẩy hợp tác trong khu vực.
Nhật Bản là một trong những đối tác đầu tiên của ASEAN; hơn 40 năm qua, hai bên đã hợp tác chặt chẽ và đạt được nhiều kết quả. ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản trong việc bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và tăng cường sự ủng hộ của Nhật Bản đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực. |
“Nếu có bất cứ động thái hay diễn biến nào gây phức tạp cho hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực thì Việt Nam, các nước ASEAN và các đối tác khác đều không mong muốn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố rằng, Việt Nam quan tâm sâu sắc những diễn biến gần đây trên vùng biển Hoa Đông, và rất mong các bên kiềm chế và thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực”, ông Vinh nói.
Đông Nam Á nói riêng và Đông Á nói chung đang là khu vực trọng tâm. Nhiều nước nói rằng, Đông Á đang là nhân tố chính để bảo đảm phục hồi kinh tế thế giới. Tất cả nỗ lực của thế giới, đặc biệt là các nước lớn, đều muốn điều chỉnh trọng tâm sang khu vực Đông Á. Đây là điều kiện thuận lợi đối với Đông Á mà trong đó biển Đông là khu vực rất quan trọng.
“Từ nhiều năm nay, đặc biệt từ năm 2002 khi ra Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), cả ASEAN, Trung Quốc và các nước trong khu vực đều ủng hộ. Năm nay, ASEAN và Trung Quốc không chỉ nỗ lực thực hiện tốt DOC để bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định ở đây, mà còn thúc đẩy xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Vậy thì bất cứ điều gì ảnh hưởng tới thành quả này thì nên kiềm chế”, Thứ trưởng nói.
Các nước lớn coi trọng Đông Á
Nói về vai trò của ASEAN trong quá trình các nước lớn đang chuyển trọng tâm sang khu vực Đông Á, ông Phạm Quang Vinh cho biết, nhiều năm qua, ASEAN đã phát huy được vai trò chủ đạo của mình và được tất cả đối tác lớn công nhận trong việc đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh tại buổi họp báo chiều 10/12. Ảnh: Trúc Quỳnh. |
ASEAN với những nguyên tắc của mình đã nỗ lực hết mình để đóng góp cho những nỗ lực hòa bình, hợp tác phát triển ở khu vực. ASEAN đã giành được vai trò chủ động trong việc xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử khu vực, trong đó có Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) được nhiều đối tác quan trọng thừa nhận, có DOC được thông qua năm 2002. Việc chia sẻ các chuẩn mực để tạo ra khuôn khổ hợp tác và ứng xử trong khu vực là điều rất quan trọng với ASEAN.
Trong môi trường mới hiện nay, các nước lớn, các đối tác quan trọng của ASEAN rất coi trọng khu vực Đông Á. Trong sự chuyển dịch trọng tâm hợp tác, liên kết và phát triển của thế giới sang châu Á, ASEAN vừa có vai trò quan trọng vừa đứng trước nhiều thách thức.
Để ASEAN phát huy được những thành tựu đã có, phát huy được vai trò trung tâm trong khu vực, ASEAN phải nhất quán với những nguyên tắc đã đề ra trong Hiến chương ASEAN, đó là vừa hợp tác vừa tôn trọng chủ quyền, hợp tác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng mẫu số chung cao nhất của khu vực là hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển chung của tất cả các nước.
Các quốc gia ASEAN cần phải đoàn kết để tạo sức mạnh chung, kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích của khối. Trong tiến trình hợp tác khu vực, ASEAN phải là người chủ xướng, đề ra các mục tiêu ưu tiên và chia sẻ với các nước đối tác, ông Vinh nói.