Tuyên bố tầm nhìn chung sau Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN- Hoa Kỳ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo dựng một môi trường hòa bình nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác và các mối quan hệ hữu nghị hiện có giữa các nước, phù hợp với các nguyên tắc bình đẳng, đối tác, tham vấn và tôn trọng lẫn nhau, trên cơ sở Tuyên bố Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) về các nguyên tắc Quan hệ cùng có lợi (Nguyên tắc Bali).
Theo tuyên bố tầm nhìn chung, lãnh đạo ASEAN- Hoa Kỳ cam kết thiết lập "quan hệ đối tác Chiến lược toàn diện có ý nghĩa thực chất, hiệu quả và cùng có lợi" tại Hội nghị Cấp cao ASEAN- Hoa Kỳ lần thứ 10 vào tháng 11/2022.
Tuyên bố tầm nhìn chung ASEAN- Hoa Kỳ gồm 28 điểm, trong đó, ủng hộ các nỗ lực của ASEAN về phục hồi sau đại dịch và an ninh y tế bằng cách tăng cường các hệ thống và năng lực y tế quốc gia và khu vực, như thông qua sáng kiến Tương lai Y tế ASEAN- Hoa Kỳ; và cam kết hỗ trợ tài chính toàn cầu đầy đủ, mạnh mẽ hơn dành cho phòng chống, chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó đại dịch, bao gồm hỗ trợ các nỗ lực hiện tại của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới.
Về quan hệ kinh tế, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn, công bằng, bao trùm hơn, và phát triển bền vững. Các nhà lãnh đạo cam kết tiếp tục hợp tác thúc đẩy thương mại và đầu tư, và tạo điều kiện nâng cao tự cường các chuỗi cung ứng toàn cầu và kết nối khu vực không bị gián đoạn, bao gồm dành cho các mặt hàng thiết yếu như thiết bị y tế, dược phẩm, vắc-xin, thực phẩm và các sản phẩm nông sản, hàng hóa, sản phẩm công nghệ cao, và các nguồn cung và dịch vụ thiết yếu khác, góp phần vào phục hồi và tự cường kinh tế bền vững trong khu vực.
Các nhà lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ công nhận các lợi ích của việc xây dựng Biển Đông thành vùng biển hoà bình, ổn định và thịnh vượng |
Về vấn đề Biển Đông, các nhà lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ công nhận các lợi ích của việc xây dựng Biển Đông thành vùng biển hoà bình, ổn định và thịnh vượng; nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp thiết thực có thể giảm căng thẳng, nguy cơ tai nạn, hiểu lầm và tính toán sai lầm.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và phòng ngừa nhằm nâng cao lòng tin và tin cậy giữa các bên; tái khẳng định sự cần thiết theo đuổi giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
"Chúng tôi quyết tâm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, và bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải, cũng như tự do hàng hải và hàng không và các quyền sử dụng hợp pháp khác các vùng biển như đã khẳng định trong UNCLOS 1982, và thương mại trên biển hợp pháp và không bị cản trở cũng như không quân sự hóa và tự kiềm chế tiến hành các hoạt động", Tuyên bố tầm nhìn chung, nêu.
Các nhà lãnh đạo cũng ủng hộ các nỗ lực của ASEAN nhằm duy trì khu vực Đông Nam Á là khu vực phi vũ khí hạt nhân và không có tất cả các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.
Về Ukraine, các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập chính trị, và toàn vẹn lãnh thổ; ủng hộ các nỗ lực của Tổng Thư ký Liên hợp quốc trong tìm kiếm một giải pháp hoà bình.