Army Games 2021: Tăng Việt Nam tranh tài cùng Mông Cổ, Venezuela và Syria

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Kết thúc trận đấu của kíp 2, nhóm 2, bảng 1, vòng loại, nội dung Xe tăng hành tiến, đội tuyển Mông Cổ xếp thứ nhất với thành tích 27 phút 05, xếp thứ 2 là Syria với thành tích 29 phút 24, Venezuela xếp thứ 3 với thành tích 30 phút 25. Đội tuyển Việt Nam xếp cuối cùng với thành tích 31 phút 42.

Trước đó, hôm 23/8, tại thao trường Alabino, ngoại ô thủ đô Moscow, Liên bang Nga, kíp xe số 1 của Đội tuyển Xe tăng Việt Nam đã thi đấu vòng loại (vòng thi đấu đơn) ở bảng 1 (gồm 11 đội) cuộc đua Xe tăng hành tiến, cùng đội tuyển của các nước Mông Cổ, Venezuela và Syria. Các chiến sỹ của Việt Nam đã có vòng thi khởi đầu xuất sắc.

Đại tá Phan Hải Long, Đội trưởng Đội Xe tăng Quân đội Nhân dân Việt Nam khẳng định, kíp xe số 1 đã thi đấu xuất sắc, đạt mục tiêu đề ra.

“Với kết quả 24 phút 58 giây, đây là kết quả như kế hoạch ban huấn luyện đề ra. Kíp xe thực hiện đúng, chính xác về kỹ thuật, chiến thuật, tiêu diệt cả 5 mục tiêu. Thời gian vượt hơn các năm trước”, Đại tá Phan Hải Long thông tin.

Theo Đại tá Phan Hải Long, bảng 1 gồm những đội rất mạnh. Cùng với đội Việt Nam ở lượt đầu tiên này, đội Mông Cổ đã thi đấu rất tốt, trước đó là các đội Nga, Trung Quốc, Uzbekistan. Vì thế, đội Việt Nam xác định, từng lượt thi đấu là từng trận chung kết, quyết tâm lọt vào bán kết.

Army Games 2021: Tăng Việt Nam tranh tài cùng Mông Cổ, Venezuela và Syria ảnh 1
Đại tá Phan Hải Long trao lá cờ Tổ quốc cho kíp xe số 2 trước giờ xung trận

Tại các kỳ Army Games, nội dung “Xe tăng hành tiến” luôn diễn ra tại thao trường Alabino, ngoại vi Thủ đô Moscow. Cụ thể, nội dung này bao gồm các giai đoạn thi đấu như sau:

Giai đoạn 1: Vòng đua riêng lẻ

Vòng đua riêng lẻ chính là tên khác của vòng loại tại nội dung thi đấu Tank biathlon. Phần thi này tiến hành trên đường chạy được bố trí 11 vật cản như: Hàng cọc, bãi mìn, vật cản nước, sống trâu, hào chống tăng, vách đứng, đường mấp mô, cầu vệt bằng... và các vòng phạt 500m, vị trí kiểm tra kỹ thuật. Mỗi vòng chạy có chiều dài khoảng 4-6km.

Mỗi vòng chạy xe sẽ bắn 3 mục tiêu bằng pháo chính, 1 mục tiêu súng máy phòng không 12,7mm và 1 mục tiêu súng máy đồng trục PKT 7,62mm.

+ Vòng 1: Tại chỗ bắn pháo vào 3 mục tiêu tăng chính diện (bia số 12). Cơ số đạn 3 viên.

+ Vòng 2: Tại chỗ bắn 12,7mm vào mục tiêu máy bay trực thăng treo tại chỗ (bia số 25). Cơ số đạn 15 viên.

+ Vòng 3: Tại chỗ bắn súng máy đồng trục vào mục tiêu súng chống tăng (bia số 9). Cơ số đạn: 15 viên.

Trong quá trình thi đấu, các đội thi nếu vi phạm bất kỳ lỗi nào như va chạm vào cột, bỏ qua chướng ngại vật hoặc sai đường đều phải điều khiển xe tăng vào khu vực vị trí kiểm tra kỹ thuật để chạy phạt. Nếu bắn trượt mục tiêu, đội thi sẽ phải chạy vòng phạt dài 500m cho mỗi lần bắn trượt.

Kết quả vòng thi sẽ được tính bằng tổng thời gian chạy bài thi cùng với điểm phạt trong quá trình chạy thi để chọn ra đội chiến thắng.

Giai đoạn 2: Vòng đua tiếp sức

Vòng đua tiếp sức được áp dụng ở vòng bán kết và chung kết của nội dung Tank biathlon. Phần thi đua tiếp sức được tiến hành trên đường chạy với 10 chướng ngại vật tự nhiên và nhân tạo. Khác biệt của vòng đua tiếp sức so với vòng đua riêng lẻ là tham gia phần thi này có 3 kíp xe cho một đội và các kíp xe luân phiên sử dụng 1 xe tăng để thi đấu. Trong trường hợp xe tăng thi đấu gặp trục trặc kỹ thuật sẽ được Ban tổ chức xem xét chuyển sang sử dụng xe tăng dự phòng.

Tại vòng đua tiếp sức, mỗi kíp xe sẽ chạy 4 vòng, bao gồm vượt chướng ngại vật và tiêu diệt 8 mục tiêu theo quy định. Độ khó của các bài thi cũng được nâng lên đáng kể so với vòng đua riêng lẻ. Đối với mục tiêu của pháo tăng, đội thi sẽ phải bắn mục tiêu ở trạng thái hành tiến (pháo ngang). Phần thi bắn súng máy 12,7mm ngoài bia số 25, xạ thủ phải bắn thêm bia số 11 giả lập pháo chống tăng.

Cụ thể:

+ Vòng 1: Đua tốc độ có chướng ngại vật.

+ Vòng 2: Trong vòng đua có hành tiến bắn đạn pháo trong khi xe chạy ngang vào 3 mục tiêu xe tăng (bia số 12).

+ Vòng 3: Trong vòng đua có bắn súng máy 12,7mm vào các mục tiêu máy bay trực thăng treo (bia số 25) và pháo chống tăng (bia số 11).

+ Vòng 4: Trong vòng đua có bắn súng máy song song vào mục tiêu xạ thủ mang súng chống tăng cá nhân (3 bia số 9).

Thứ tự thực hiện các vòng thi được các đội thực hiện là khác nhau để tránh trường hợp cùng lúc có quá nhiều đội tuyển cùng tham gia một vòng đấu.

Giai đoạn 3: Chung kết

- Nội dung thi đấu tương tự như vòng bán kết.


Tham gia nội dung Xe tăng hành tiến từ năm 2018, Đội tuyển Xe tăng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc ở nội dung thi đấu này. Cụ thể, tại kỳ Army Games 2019, Việt Nam giành vị trí thứ 3 ở bảng 2. Tới kỳ hội thao 2020, Đội tuyển Việt Nam đã xuất sắc giành vị trí vô địch ở bảng 2. Tại hội thao Army Games 2021, Đội tuyển Việt Nam lên thi đấu ở bảng 1 nội dung này với các đội tuyển mạnh như Nga, Trung Quốc, Belarus… Các kíp xe tăng của Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ càng để giành thành tích cao tại nội dung này.

Army Games 2021: Tăng Việt Nam tranh tài cùng Mông Cổ, Venezuela và Syria ảnh 2
Cổ động viên Việt Nam trên khán đài tại Thao trường Alabino

Trong các kỳ Hội thao Quân sự quốc tế Army Games, nội dung “Xe tăng hành tiến” luôn là tâm điểm của sự chú ý. Những cỗ xe tăng T-72B3 cơ động tốc độ cao và thực hiện các bài bắn pháo, súng máy mãnh liệt đã thu hút được sự quan tâm của người xem và giới chuyên môn.

Army Games 2021: Tăng Việt Nam tranh tài cùng Mông Cổ, Venezuela và Syria ảnh 3

Tính đến hết ngày 25/8, Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Army Games 2021 đã có 13/17 đội chính thức thi đấu. Nhiều đội đang có thành tích cao như Xạ thủ chiến thuật, Hải quân, Bếp dã chiến, Công binh...

Sau 3 ngày thi đấu chính thức, đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam hiện đang đứng vị trí thứ 8/43 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Army Games 2021.

Năm nay, các đội tuyển từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tham gia cuộc thi xe tăng, trong đó Bảng 1 có 11 đội thi đấu, gồm chủ nhà Nga, Azerbaijan, Belarus, Kazakhstan, Mông Cổ, Serbia, Syria, Trung Quốc, Uzbekistan, Venezuela và Việt Nam.

Army Games 2021: Tăng Việt Nam tranh tài cùng Mông Cổ, Venezuela và Syria ảnh 4

Quân đội Nhân dân

Theo QĐND/QPVN
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.