Trong những bộ phim viễn tưởng nhiều năm trở về trước, việc đeo 1 thiết bị rồi sau đó lạc vào 1 không gian khác, là điều vô cùng thú vị và hấp dẫn. Đó chính là VR hiện nay. VR – Virtual Reality – Thực tế ảo, là 1 thiết bị mà khi người ta đeo vào, nó sẽ đưa bạn vào 1 không gian khác do máy tính tạo ra, và các chuyển động, tương tác của bạn ngoài đời thật sẽ tác động lên không gian ảo này.
VR đưa bạn vào 1 thế giới hoàn toàn khác so với thực tại, từ không gian ảo được cung cấp bởi thiết bị đeo, tai nghe cung cấp âm thanh từ thế giới ảo, các cử chỉ vận động của người đeo cũng được giả lập trên thế giới ảo. Một khi đã bước vào thế giới ảo của VR, bạn sẽ có cảm giác hoàn toàn biến mất khỏi thế giới thực tại, và không thể biết được những người xung quanh đang làm gì.
Thực tế ảo VR
Bên cạnh VR, AR năm nay cũng để lại dấu ấn nhất định. AR – Augmented Reality – Thực tế tăng cường, là 1 thiết bị mà khi đeo vào, bạn sẽ vẫn thấy không gian thực tại, hiển thị tương tự như qua 1 camera hay qua 1 lớp kính râm. Thêm vào đó, những hình ảnh ảo, thông tin ảo sẽ được chèn thêm vào không gian thực tại. AR cũng xuất hiện trong nhiều bộ phim viễn tưởng, nó thực tế hơn và mang lại cảm giác bớt “say” hơn.
Pokemon Go là trò chơi nổi tiếng nhất trong năm 2016, và cũng là thứ khiến AR được phổ biến trên toàn thé giới. Người ta đi bắt những chú Pokemon ảo trong thế giới thực tại, trên đường, trong công viên, trong nhà...
Thực tế tăng cường AR
Thiết bị VR khá đa dạng, và nhiều hãng điện thoại đã phát triển kính VR có gắn smartphone của mình như Samsung, Sony, HTC, tương đối thành công. Trong khi đó, thiết bị AR ít hơn và Hololens của Microsoft phát triển là sản phẩm nổi bật nhât. Hololens dựng các hình ảnh ảo lên không gian phía trước người đeo và có thể sử dụng tay để tương tác trực tiếp với chúng.
Về công nghệ thực tế ảo, người dùng không thể sử dụng nó lâu dài và liên tục. Việc đặt 1 thiết bị hình ảnh quá gần mắt, phải bước sang 1 chiều không gian khác sẽ khiến người dùng có cảm giác bị say, sau khi tháo bỏ thiết bị và trở lại với thực tại. Ngoài ra, VR cũng chưa có những hình ảnh ảo sắc nét và giống thật, nó mới ở dạng 3D với màu sắc sặc sỡ và độ phân giải chưa cao, chưa có chiều sâu nên để tiến tới thực tế ảo hoàn toàn giống như phim viễn tưởng, sẽ cần thêm thời gian để phát triển. VR có lẽ phù hợp hơn với mục đích giải trí, xem phim hay chơi game, hoặc đơn giản là muốn “biến mất” khỏi thế giới thực tại.
Công nghệ AR có lẽ sẽ phù hợp hơn để cải thiện chất lượng sống người dùng ngay trong không gian thực. AR có thể quét không gian thực tại xung quanh người dùng, phân tích chúng và bổ sung vào đó các thông tin cần thiết, 1 điều hết sức thú vị. Hãy thử tưởng tượng một ngày bạn đeo kính ra đường, nhìn vào 1 cô gái và chiếc kính AR sẽ hiển thị luôn họ tên và số điện thoại, khi khuôn mặt và thông tin của cô ấy có trong hồ sơ lưu trữ của thiết bị.
Dần dần, những công nghệ xuất hiện trong những bộ phim viễn tưởng, đều sẽ xuất hiện ngoài đời thật. Trải nghiệm nó, làm chủ nó, hay bị lệ thuộc vào nó là tùy ở người dùng. Hình ảnh Mark Zuckerberg đi như chỗ không người giữa sự kiện của Samsung, khi mọi người đều đeo kính VR, là hình ảnh ấn tượng nhất của làng công nghệ trong năm 2016. Người ta lo ngại thực tế ảo sẽ chiếm lĩnh thế giới thật, như những gì đã xảy ra trên phim ảnh.