Áp thuế chống bán phá giá tạm thời với thép phủ màu từ Trung Quốc, Hàn Quốc

Việc áp thuế chống bán phá giá tạm thời của Bộ Công Thương sẽ tác động tích cực đến Tập đoàn Hoa Sen, giúp Hoa Sen gia tăng sản lượng tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Việc áp thuế chống bán phá giá tạm thời của Bộ Công Thương sẽ tác động tích cực đến Tập đoàn Hoa Sen, giúp Hoa Sen gia tăng sản lượng tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Bộ Công Thương vừa có quyết định áp mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu thép phủ màu của Trung Quốc là từ 3,45% đến 34,27% và của Hàn Quốc là từ 4,48% đến 19,25%.

Ngày 18/6, Bộ Công Thương có Quyết định 1711, áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) tạm thời đối với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được mạ hoặc không mạ, sau đó được sơn (tôn màu) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Theo đó, mức thuế CBPG tạm thời được áp dụng cho 20 doanh nghiệp xuất khẩu thép phủ màu của Trung Quốc là từ 3,45% đến 34,27% và 3 doanh nghiệp của Hàn Quốc là từ 4,48% đến 19,25%.

Quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời có hiệu lực từ 25/6/2019, thời hạn áp dụng biện pháp tạm thời trong vòng 120 ngày (tức đến 23/10/2019), sau đó Bộ Công Thương có quyết định chính thức về việc áp thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng kể trên.

Ngoài ra, Bộ Công Thương có thể áp thuế CBPG có hiệu lực trở về trước trong khoảng thời gian 90 ngày trước khi có quyết định tạm thời (từ 27/3/2019 – 25/6/2019) với các trường hợp: Nếu xác định hàng hóa nhập khẩu được xác định bị bán phá giá; khối lượng và số lượng hàng hóa bị bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam tăng nhanh đột biến trong giai đoạn từ khi tiến hành điều tra (theo quyết định số 3877/QĐ-BCT ngày 15/10/2017) đến khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời; gây ra thiệt hại khó có khả năng khắc phục cho ngành sản xuất trong nước.

Theo Bộ Công Thương, Bộ bắt đầu tiến hành vụ việc điều tra vào tháng 10/2018 trên cơ sở kết quả thẩm định hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG của đại diện ngành sản xuất trong nước nộp vào tháng 8/2018.

Kết quả điều tra cho thấy, mặc dù biện pháp tự vệ dưới hình thức hạn ngạch thuế quan đang được áp dụng, nhưng lượng hàng hóa nhập khẩu trong hạn ngạch có dấu hiệu bán phá giá với biên độ khá cao, từ 3,45% đến 34,27%, tiếp tục gây ra đe dọa thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất thép phủ màu trong nước.

Hành vi bán phá giá nói trên tiếp tục gây ra sức ép đáng kể cho các chỉ số hoạt động của ngành sản xuất trong nước, thể hiện ở các tiêu chí như: sản lượng sản xuất, lượng bán hàng, doanh thu, lợi nhuận, thị phần, hàng tồn kho có nhiều biến động trong giai đoạn điều tra.

Đặc biệt, trong giai đoạn 7 tháng cuối năm 2018 đến nay, các chỉ số này đều cho thấy xu hướng suy giảm rõ rệt, rất nhiều các doanh nghiệp sản xuất trong nước thua lỗ, nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động và số lượng lớn lao động đã phải nghỉ việc.

Theo các doanh nghiệp tôn trong nước, thời gian qua, hàng Trung Quốc nhập khẩu và bán tràn lan trên thị trường với chất lượng kém, giá rất thấp, cạnh tranh không lành mạnh khiến cho doanh nghiệp nội địa bị thiệt hại, thua lỗ.

Việc áp thuế chống bán phá giá tôn lạnh màu, tôn kẽm màu, tôn đen màu từ các 20 công ty Trung Quốc và 3 công ty Hàn Quốc nhập khẩu vào Việt Nam sẽ giúp hàng Việt Nam có thể cạnh tranh công bằng và lành mạnh trên thị trường, các doanh nghiệp Việt có thể phục hồi, giảm thiệt hại đáng kể.Đồng thời, nhà nước thu được thuế từ các doanh nghiệp Việt làm ăn chân chính và hạn chế thất thoát thuế tăng thu ngân sách nhà nước. Người tiêu dùng không phải bỏ tiền để mua phải hàng Trung Quốc kém chất lượng.

 Tại thị trường trong nước, Tập đoàn Hoa Sen là doanh nghiệp có sản lượng sản xuất lớn, chất lượng sản phẩm tốt, hệ thống cửa hàng phân phối bán lẻ rộng khắp, thị phần tôn mạ số 1 Việt Nam. Quyết định của Bộ Công Thương sẽ có tác động tích cực đến Hoa Sen, giúp Hoa Sen gia tăng sản lượng tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. 

Thời gian tới, để đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan, thẩm tra xác minh số liệu và tổ chức phiên tham vấn công khai để tất cả các bên có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình, đồng thời đánh giá tác động toàn diện của vụ việc đến các bên liên quan, bao gồm cả người tiêu dùng cuối cùng. Vụ việc dự kiến sẽ kết thúc điều tra vào Quý IV/2019.

MỚI - NÓNG