Áp lực rút vốn của quỹ ngoại

Áp lực rút vốn của quỹ ngoại
Tại hội thảo về thị trường chứng khoán (TTCK) cuối tuần qua, ông Dominic Scriven - Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Dragon Capital cho rằng, có thể xảy ra việc thoái vốn của các quỹ nước ngoài trong thời gian tới do đến thời hạn đóng quỹ. Thông tin này đang gây lo lắng cho nhiều người.

Áp lực rút vốn của quỹ ngoại

> Từ nay đến cuối năm: Khó hạ lãi suất

Tại hội thảo về thị trường chứng khoán (TTCK) cuối tuần qua, ông Dominic Scriven - Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Dragon Capital cho rằng, có thể xảy ra việc thoái vốn của các quỹ nước ngoài trong thời gian tới do đến thời hạn đóng quỹ. Thông tin này đang gây lo lắng cho nhiều người.

TTCK trầm lắng từ đầu năm đến nay khiến bóng dáng NĐT nước ngoài trở nên hiếm hoi. Ảnh: D.Đ.M
TTCK trầm lắng từ đầu năm đến nay khiến bóng dáng NĐT nước ngoài trở nên hiếm hoi. Ảnh: D.Đ.M.

Hàng loạt quỹ đầu tư đến hạn

Năm 2010, Quỹ đầu tư Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) thuộc Công ty quản lý quỹ Dragon Capital đã đứng trước áp lực của một số cổ đông lớn đòi thoái vốn. Bước sang năm 2012, VEIL cũng sẽ phải đối mặt với câu hỏi sẽ được tiếp tục hoạt động hay không khi đến kỳ đại hội các nhà đầu tư diễn ra cứ hai năm một lần. Một số quỹ đầu tư nước ngoài khác như Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lý có thời hạn đến quý 3/2013; hay Quỹ đầu tư cân bằng Prudential cũng có thời hạn kết thúc vào giữa năm 2013...

Theo ông Dominic Scriven, nếu không có dòng tiền mới chảy vào, việc các quỹ đến đáo hạn sẽ gây áp lực cho thị trường. Trong khi việc huy động được vốn trong tình hình hiện nay rất khó. Suốt 6 tháng đầu năm 2011, các vấn đề bất ổn về vĩ mô như lạm phát, lãi suất kinh doanh tăng cao, biến động trên thị trường vàng, ngoại hối và tính thanh khoản kém, đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn cũng như thu hút nguồn vốn mới.

Theo thống kê của Công ty quản lý quỹ Sài Gòn (SGI Capital), năm 2012 sẽ là năm bắt đầu của làn sóng các quỹ đầu tư chứng khoán đến thời hạn giải thể và cao điểm của làn sóng này là năm 2013. Việc thoái vốn trong năm 2012 sẽ hơn 3.400 tỉ đồng (tính theo giá trị hiện thời) và sẽ tiếp diễn cho đến năm 2015. SGI Capital ước tính sẽ có hơn 63.000 tỉ đồng có thể bị rút ra khỏi thị trường trong 4 năm tới.

Ngoài nguyên nhân đến thời điểm đóng quỹ, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến áp lực thoái vốn là giá cổ phiếu cũng liên tục sụt giảm khiến cho giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ đầu tư sụt giảm mạnh. Ông Louis Nguyễn - Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Saigon Asset Management (SAM) - cũng nhận định khả năng rút vốn của các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài hoàn toàn có thể xảy ra khi các quỹ đầu tư hết thời hạn hoạt động và TTCK tiếp tục ảm đạm như hiện nay.

Cơ hội trong rủi ro

Nhiều quỹ đến thời hạn đóng trong năm 2012 và 2013 là có thật nhưng việc rút vốn hay không vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn. Bởi vừa qua, một số quỹ khi đến thời hạn đóng vẫn được NĐT gia hạn hoạt động, nên không ai có thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra cho TTCK trong vòng 2 năm tới. Tùy thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô và diễn biến trên TTCK thì các NĐT mới bỏ phiếu quyết định xem có nên tiếp tục đầu tư hay không. Thậm chí nếu quyết định rút vốn mà danh mục đầu tư của quỹ có tính thanh khoản thấp thì bắt buộc các NĐT cũng phải tiếp tục gia hạn để quỹ hoạt động.

Trong khi đó, ông Louis Nguyễn cho rằng Chính phủ VN cần phải quyết tâm kiềm chế lạm phát và giảm lãi suất của ngân hàng, đây là những điều kiện tốt nhất để cho các doanh nghiệp hoạt động ổn định và có kết quả tốt. Bởi nếu lạm phát vẫn lên đến gần 20%/năm và lãi suất của ngân hàng ở mức cao ngất ngưởng sẽ rất khó để thuyết phục NĐT tiếp tục để vốn lại VN.

Ông Dominic Scriven phân tích, để thu hút được nguồn vốn đầu tư gián tiếp cần phải phối hợp nhiều biện pháp. Đó là thực hiện nhanh tiến trình cổ phần hóa, niêm yết và thúc đẩy việc minh bạch hóa thông tin. Điều đó sẽ tạo dựng tốt niềm tin với NĐT và giúp gia tăng giá trị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính (trường ĐH Kinh tế TP.HCM), ngoài những khó khăn chung của nền kinh tế VN hiện nay thì bản thân các quỹ đầu tư cũng phải nhìn nhận lại mình. Bởi những rủi ro luôn được dự báo đi cùng với cơ hội khi các quỹ kêu gọi đầu tư vào một thị trường mới nổi như VN.

Nếu ban điều hành quỹ có tầm nhìn và dự báo tốt hơn thì trong những thời điểm TTCK không thuận lợi phải gia tăng lượng tiền mặt. Đến khi giai đoạn khó khăn qua đi thì cơ hội giải ngân và lợi nhuận thu được cũng sẽ gia tăng. Nhìn kết quả hoạt động của các quỹ trong thời gian qua, NĐT không muốn gia hạn hoạt động là điều dễ hiểu. Cũng có thể trong thời gian tới, các NĐT sẽ rút vốn khỏi những quỹ cũ nhưng lại bỏ vốn vào những quỹ mới với ban điều hành khác mà họ đặt niềm tin cao hơn.

Theo Mai Phương
Thanh Niên

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG