Chia sẻ về nỗi niềm của những người làm cha, làm mẹ khi con cái đang bước vào mùa thi cử, chị Thanh Hải nêu vấn đề "Áp lực mùa thi: Lỗi tại ai".
Như thường lệ, những ngày cuối tháng Ba, đầu tháng Tư ở “mặt trận” tuyển sinh đầu cấp, tình hình "nóng" vô cùng, đặc biệt kỳ thi vào 10 được báo chí liên tục đưa tin là “áp lực hơn thi đại học”. Ai cũng kêu giáo dục các cấp ở nước ta, đặc biệt là ở các thành phố lớn như HN, TPHCM quá áp lực. Nhưng suy cho cùng, người quyết định và tự nguyện chạy vào cái guồng quay áp lực đó chính là phụ huynh.
Tôi còn nhớ như in, hôm đi đăng ký cho con thi thử vào lớp 10, Trường THPT Chuyên ngữ đợt 1 hồi tháng Ba vừa rồi, gặp một phụ huynh cũng đến đăng ký cho con.
Chị đến lúc 10h15 phút sáng hôm đó, hạn chót đăng ký thi thử, chậm đúng 15 phút, ngay sau khi anh cán bộ phòng đào tạo vừa “chạy lên” trường nộp chốt danh sách thi thử.
Anh giải thích, trường thi thử 2 lần, danh sách lần 1vừa đưa lên để vào hệ thống rồi, khuyên chị đến muộn thì đăng ký cho con thi thử lần 2 vào cuối tháng Tư cũng được.
Tôi, một phụ huynh cũng đăng ký thi thử cho con vồn vã chia sẻ:
“Thôi muộn rồi thì chị cứ đăng ký cho con thi thử chỗ khác, lần 2 thi thử Chuyên ngữ cũng chẳng sao, chỉ là thi thử thôi mà”.
Bất ngờ, chị phụ huynh nọ bật khóc hu hu trước mặt tôi và các thầy cô giáo phòng đào tạo.
Chị cứ trình bày, mong thầy cô thông cảm, bận quá mới vào mạng biết thông tin thi thử, mà nhà tận Đông Anh, sáng đi sớm đường tắc, rồi nhầm đường, mãi mới tìm được trường”.
Rồi chị cứ khóc ngon lành như thế, mặc tôi và mọi người giải thích rằng chuyện thi thử không quá “kinh khủng” đến thế…
Có lẽ, áp lực muốn con thi bằng được vào trường Chuyên ngữ khiến cho mọi cảm xúc dồn nén bị trào ra.
Và chị tự chuốc cho mình và con cái “áp lực” phải thi thử bằng được mới hy vọng đỗ Chuyên ngữ.
Trong khi thực tế, có rất nhiều học sinh học tiếng Anh giỏi, không thi thử vẫn đỗ như thường.
Là một phụ huynh cũng có con thi chuyển cấp như chị, tôi rất thông cảm nhưng thấy thương vì chị đã tự chuốc lấy áp lực thi cử quá lớn cho chính mình.
Mới không đăng ký được thi thử mà chị đã khóc hu hu, ngộ nhỡ vì lý do nào đó, con chị trượt thi vào trường chuyên, thì chị sẽ thế nào? Hơn 3.000 học sinh đăng ký vào Chuyên ngữ, trường chỉ tuyển 300 học sinh, vậy nếu 2.700 phụ huynh cũng cứ tự chuốc lấy áp lực mà khóc tu tu như thế thì sao nhỉ?
2. Cũng cuộc đua thi vào chuyên Ngữ và Hà Nội - Amsterdam và các trường chuyên cấp 3 khác ở Hà nội. Rất nhiều gia đình “trăm phương nghìn kế”, tính toán cả năm trời để chọn lớp học thêm cho con sao cho “trúng thầy, trúng cô” ôn luyện tốt nhất. Và áp lực ở các lớp học thêm phần nhiều cũng do chính phụ huynh tạo ra .
Áp lực học thêm bằng được các thầy cô dạy thêm có nhiều học sinh đỗ Ams, Chuyên ngữ, Chuyên Sư phạm hay Chuyên Khoa học Tự nhiên khiến cho các lớp luyện thi trở nên quá tải.
Càng những ngày sát kỳ thi, càng nhiều người đến phút chót vẫn muốn “cấp tốc” luyện cho con tạo nên áp lực học thêm cấp tốc.
Anh bạn tôi nhà khu vực quận Đống Đa, không muốn cho con vào học thêm lớp tiếng Anh luyện thi chuyên của cô giáo trẻ gần nhà. Bởi vì, lớp khá đông và thái độ của cô khiến anh và một số phụ huynh thấy “thương mại hóa”.
Phần lớn học sinh đến xin học ít ra cũng là nhất nhì tiếng Anh các lớp, còn lại đã phần đã có thành tích, “số má” trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quận, thành phố, thậm chí là cấp quốc gia.
Giỏi cấp quốc gia rồi mà vẫn phải đi học thêm lớp này, thế thì con cái bình thường sao không học?
Người nọ đồn người kia, cứ thế, xin bằng được cho con vào học. Tiền học thêm là 400.000 đồng/một buổi /1 học sinh, học trong 2 tiếng, thu liền 3 tháng tiền học một lúc.
Phát thông báo thu tiền, học sinh bằng mọi giá phải nộp ngay hôm đầu tháng, cô không chấp nhận nộp tiền chậm dù là 1 buổi.
Biết tình hình lớp học thêm căng thế, dù không muốn cho con gái học, nhưng rốt cuộc con gái anh bạn tôi vẫn “được và bị” học thêm chỗ lớp tiếng Anh đó, chỉ vì vợ anh nhất định không cho con chuyển lớp học thêm khác.
Vợ anh lập luận: “Chắc là cô siêu lắm, người ta mới cho con học, con mình không thể kém được”.
Anh bạn tôi đành thua vợ. Vợ anh bạn tôi cũng giống như bao phụ huynh hàng ngày đưa đón, ngồi chờ con học ở cửa lớp, có một niềm tin tất thắng, là cho con học thêm tiếng Anh lớp này, mới có thể đỗ Ams, Chuyên ngữ.
Và niềm tin đó vô tỉnh đẩy tất cả áp lực mùa thi vào cho một vài lớp luyện như thế, mọi người cứ kéo đến học, bất chấp con mình trình độ thế nào, có phù hợp cách dạy của cô hay không, có đủ thời gian, trình độ để tiếp thu bài hay không, có theo kịp các bạn hay không.
Nhiều khi, phụ huynh bắt con học ở nhiều lớp luyện chuyên khác nhau, có cháu học 2, 3 lớp Toán, lớp Anh... khiến cho thời gian ngủ nghỉ lúc sát ngày thi gần như thu hẹp lại tối thiểu. Chỉ vì áp lực chọn thầy cô học thêm mà vô tình phụ huynh và học sinh đẩy mình vào tình thế “một cổ mấy tròng” học thêm.
Các lớp học luyện thi chuyên như thế, cứ người nọ đồn người kia, phần vì sợ con không học cô không thể đỗ nên làm cho cô “quá tải”, “đuổi” học sinh đi không hết. Có cô thu học phí trước 6 tháng, học sinh nghỉ học do gia đình bận phải viết đơn xin nghỉ học, chế độ báo cáo chuẩn hơn cả học chính khóa ở các trường công. Học sinh không học thuộc từng dấu chấm, phẩy, phải chép phạt mỏi tay. Nhiều cháu áp lực không chịu nổi thì tự nghỉ học, cháu khác sẽ thế chân ngay lập tức.
Phụ huynh nào có con bị nghỉ học do chép phạt quá nhiều thì ấm ức, lại tự gây áp lực cho chính mình và con trẻ…
Cái vòng áp lực đó cứ kéo dài cho đến tận ngày thi chuyển cấp. Nhiều phụ huynh con đỗ chuyên rồi, nghĩ lại những ngày chạy đua xin lớp học thêm, cùng con lao vào ôn luyện mà tự hỏi, không hiểu năng lượng nào mà vượt qua những tháng ngày áp lực thi cử như thế! Vậy nên, chúng ta đừng kêu ca áp lực, khi mà chính phụ huynh tạo ra và nhảy vào cái guồng quay đó.
Vậy lỗi tại ai?