Áp lực khổng lồ đè lên Thủ tướng Ấn Độ

Bức ảnh chụp ngày 15/9 cho thấy cảnh ngổn ngang trên đường phố sau khi nông dân Ấn Độ biểu tình. Ảnh: PTI.
Bức ảnh chụp ngày 15/9 cho thấy cảnh ngổn ngang trên đường phố sau khi nông dân Ấn Độ biểu tình. Ảnh: PTI.
TP - Đối với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, những cuộc biểu tình với hàng trăm ngàn nông dân tham gia cho thấy những trở ngại lớn mà ông phải vượt qua để giữ lời hứa từng giúp ông lên nắm quyền.

Cơn giận dữ vì thu nhập từ nông nghiệp giảm sút đã tràn ra những con đường khắp một vùng rộng lớn gồm các bang lớn nhất của Ấn Độ khi nông dân phải vật lộn với giá lương thực giảm và nền kinh tế nông nghiệp phi chính thức bị phá vỡ.

Đối với Thủ tướng Modi, trong khi đã chịu sức ép vì suy giảm kinh tế mạnh là giảm việc làm trong ngành công nghiệp, những cuộc biểu tình với hàng trăm ngàn nông dân tham gia nói lên sự vất vả như thế nào khi phải thực hiện những lời hứa của mình.

Hôm 15/9, các quan chức bang ở Rajasthan học tập lãnh đạo bang Uttar Pradesh và Maharashtra – đều thuộc quyền quản lý của đảng BJP của ông Modi – đưa ra lời hứa sẽ xóa nợ cho nông dân sau 13 ngày biểu tình. Nhưng nông dân không hài lòng. “Chúng tôi có kế hoạch tổ chức một buổi tập hợp toàn quốc vào ngày 30/10 và sẽ mang theo đuốc để soi sáng cho những chính quyền đang lọ mọ trong bóng tối”, ông Amra Ram, 60 tuổi, lãnh đạo của India Kisa Sabha, một tổ chức nông dân đại diện cho 15 triệu thành viên, tuyên bố. “Thu nhập từ nông nghiệp của chúng tôi sụt giảm và không đâu có việc làm cho chúng tôi”, ông Ram nói.

Các hội nông dân và công đoàn với tổng số thành viên khoảng 30 triệu người cũng định tham gia làn sóng biểu tình. Bharatiya Mazdoor Sangh – chi nhánh của Rashtriya Swayamsevak Sangh, tổ chức có chung ý thức hệ với đảng BJP của Thủ tướng Modi, cũng có kế hoạch tuần hành đến Quốc hội vào ngày 17/11 để phản đối các chính sách của chính phủ, Bloomberg dẫn lời ông chủ tịch C.K. Sajjinarayanan cho biết.

Sử dụng hơn một nửa lực lượng lao động của cả nước, nông nghiệp là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất sau lệnh cấm sử dụng tiền mặt mà chính phủ Ấn Độ áp dụng từ tháng 11 năm ngoái, dẫn đến tình trạng giá nông sản lao dốc. Dù sau đó gặp khó khăn, nông dân Ấn Độ phần lớn ủng hộ biện pháp này của ông Modi vì họ coi đó là nỗ lực nhằm xóa bỏ tình trạng vơ vét tài sản trái phép. Sự ủng hộ này đã giúp đảng BJP giành được chiến thắng ở những bang chủ chốt như Uttar Pradesh.

Tuy nhiên, sự bất an của nông dân càng lớn hơn sau khi chính phủ áp dụng thuế hàng hóa và dịch vụ trên cả nước từ tháng 7 năm nay, càng làm tổn thương các chuỗi cung cấp trên cả nước trong giai đoạn gió mùa, khi giá rau quả và ngũ cốc được kỳ vọng sẽ tăng.

“Có một sự bấp bênh trong giá các loại nông sản. Chúng tôi sẽ làm gì nếu chúng tôi không được trả đúng giá cho nông sản của mình?”, ông Arun Muluk nói. Ông Muluk đến từ Vadgaon Kashimbe để tham gia cùng ít nhất 100.000 người khác trong cuộc biểu tình vào tháng trước khiến thủ đô tài chính Mumbai của Ấn Độ tê liệt. “Nông dân có tiềm năng kéo chính phủ xuống. Chính phủ thậm chí sẽ không biết làn sóng đó sẽ nhanh đến mức nào”, ông Muluk nói.

Ông Jagdish Thakkar, Người phát ngôn của Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ, chưa bình luận gì về những thông tin này.

Trong khi đó, đảng Quốc đại, phe đối lập chính của BJP, có kế hoạch để biến những điều này thành vấn đề lớn trong kỳ bầu cử tiếp theo. “Chính phủ này đang hủy hoại nông dân”, ông Ajoy Kumar, Người phát ngôn tại New Delhi của đảng Quốc đại, nói. “Và đi trong những cuộc biểu tình lớn trên khắp cả nước, chúng tôi có thể thấy người dân đang nhận ra điều này. Chúng tôi luôn sát cánh với nông dân ở Karnataka, Maharashtra và Haryana và nhà lãnh đạo Rahul Gandhi ngay bây giờ tại Gujarat để nói lên tiếng nói ủng hộ họ”, ông Kumar nói.

Những câu hỏi  khó

Theo ông Amra Ram, nông dân trông lúa mỳ đã chịu thiệt hại sau khi Thủ tướng Modi cắt giảm thuế nhập khẩu lúa mỳ, từ 25% xuống 10% rồi sau đó bỏ hẳn thuế vào tháng 12 năm ngoái.

Tình hình càng căng thẳng hơn khi 52% cánh đồng của Ấn Độ không được tưới tiêu và những biến động do biến đổi khí hậu trong kỳ gió mùa càng khiến thiệt hại của nông dân trầm trọng. Tình trạng sở hữu đất nông nghiệp quy mô nhỏ khiến nông dân không thể vay vốn từ các tổ chức tín dụng, trong khi việc không trả được những khoản vay lãi cắt cổ góp phần dẫn đến tình trạng 12.000 nông dân tự tử mỗi năm, theo số liệu thống kê của chính phủ.

Trong cuộc vận động trước đợt bầu cử năm 2014, ông Modi hứa sẽ giúp giá nông sản tăng và triển khai các biện pháp đổi mới như quy định giá hỗ trợ tối thiểu cho ngũ cốc, bảo vệ nông dân canh tác quy mô nhỏ và giải quyết những vấn đề ngày càng nhức nhối trong canh tác.

“Tôi nghĩ đó là những câu hỏi khó mà chính phủ sẽ phải đối mặt trong cuộc bầu cử năm 2019”, ông Neelkanth Misra, chiến lược gia của tổ chức tài chính Credit Suisse, đánh giá. “Nếu một nửa lực lượng lao động không thấy thu nhập của họ tăng thì bạn có phải làm gì không?”, ông Misra chất vấn. Hứa sẽ tạo thêm 10 triệu việc làm mỗi năm cho lực lượng lao động được bổ sung ít nhất 1 triệu người/năm, Thủ tướng Modi vẫn chưa thể bắt kịp nhu cầu xin việc.

Ông Ramesh Chand, thành viên tổ chức tư vấn chính sách NITI Aayog, cho rằng chính phủ đang làm hết sức để đẩy nhanh tốc độ cải cách nông nghiệp.

Cho phép nông dân làm việc trực tiếp với bên mua thay vì buộc họ phải đi qua chuỗi trung gian là vấn đề rất được coi trọng trong chương trình nghị sự của Thủ tướng Modi, ông Chand nói. Chịu trách nhiệm thực thi chính sách nông nghiệp, chính quyền các bang cũng được khuyến khích đưa ra các biện pháp cải cách thị trường và bồi thường cho nông dân vì chênh lệch giá giữa mức thương lái đưa ra và mức giá tối thiểu được chính phủ hỗ trợ. “Khi nhìn cả nước, tôi không thấy hài lòng. Thủ tướng muốn điều đó, nhưng đây là vấn đề của từng bang”, ông Chand nói về việc thực hiện các biện pháp cải cách nông nghiệp.

Câu trả lời có thể không đủ cho những người nông dân biểu tình. “Cuộc đấu tranh này không phải vì chúng tôi mà cho thế hệ tiếp theo. Nếu con cháu chúng tôi không thể tìm việc làm, chúng ít nhất cũng có thể quay về và dựa vào nghề truyền thống để tự nuôi sống mình. Nhưng giờ chúng tôi nên đi đâu?”, ông Muluk nói.

Theo Theo Bloomberg, PTI
MỚI - NÓNG