Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm. Đặc biệt, ngành kiểm lâm vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đạt kết quả như: Xác định và ngăn chặn các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái pháp luật; kiểm soát tình trạng phá rừng; thực hiện tốt công tác phòng chống cháy rừng; thay đổi nhận thức của người dân về ý nghĩa bảo vệ rừng; đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp tại địa bàn các huyện M'Đrắk, Krông Bông, Ea Kar, Ea Súp, Ea H'Leo… còn xảy ra và diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng khai thác gỗ trái pháp phép tại khu vực giáp ranh giữa Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar, Đắk Lắk) với huyện Krông Pa (Gia Lai) được nhận định tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao, có chiều hướng gia tăng.
Từ ngày 19- 22/5/2020, Đoàn công tác gồm Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, Chi cục Kiểm lâm vùng 4, Hạt Kiểm lâm huyện Ea Kar, Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 2, Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô... mật phục truy quét lâm tặc phá rừng tại khu vực giáp ranh với huyện Krông Pa (Gia Lai) và huyện Sông Hinh (Phú Yên) phát hiện tại tiểu khu 616 có 39 cây gỗ bị chặt hạ, cưa xẻ.
Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk văn bản đề nghị UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai xem xét, chỉ đạo lực lượng kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng khu vực giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm, các cơ quan chức năng và các đơn vị chủ rừng tỉnh Đắk Lắk để tổ chức và duy trì thường xuyên lực lượng tuần tra, truy quét, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp tại khu vực rừng giáp ranh giữa 2 tỉnh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản còn diễn ra, nhất là ở những nơi trình độ dân trí thấp, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, thói quen sống dựa vào sản phẩm sẵn có từ rừng. Chính quyền địa phương (huyện, xã) đã có sự vào cuộc, phối hợp cùng cơ quan chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; tuy nhiên, vẫn còn một số chính quyền địa phương chưa thực hiện hết vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, thiếu cương quyết trong công tác chỉ đạo, điều hành; việc quản lý dân di cư tự do chưa chặt chẽ; còn coi trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng là của lực lượng kiểm lâm; việc phối, kết hợp giữa đơn vị chủ rừng, chính quyền cấp xã và lực lượng kiểm lâm chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của chủ rừng chưa thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao, thiếu kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đôi lúc còn buông lỏng quản lý, bảo vệ rừng.
Để chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản và động vật hoang dã trái pháp luật; Điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định pháp luật; Kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm; Quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ, thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ tại các cơ sở chế biến để quản lý nguyên liệu hợp pháp.
Ngoài ra, ngành Kiểm lâm cũng làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân, nhất là ở vùng sâu, xa nắm, hiểu được pháp luật về quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng gắn với công tác bảo vệ môi trường; Tuyên truyền để người dân thấy rõ nguy cơ, các hiểm họa về thiên tai do hành vi khai thác, phá rừng bừa bãi gây ra; Tăng cường tuyên truyền về điển hình tốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; Phản ánh trung thực, tạo nhận thức, hành động thống nhất đấu tranh, phòng ngừa đối với các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ, phát triển rừng; Thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển kinh tế-xã hội, sử dụng rừng và hưởng lợi từ rừng một cách bền vững, có hiệu quả lâu dài.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, đã kiểm tra phát hiện, xử lý 431 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó, phá rừng trái pháp luật: 20 vụ/16,065 ha; Khai thác rừng trái pháp luật: 49 vụ; Vận chuyển, mua bán động vật rừng: 3 vụ; Vận chuyển trái pháp luật gỗ, lâm sản: 171 vụ; Mua bán, tàng trữ trái pháp luật gỗ, lâm sản: 100 vụ; Các vi phạm khác: 86 vụ, tịch thu 515,073m3 gỗ các loại. Việc xử lý các vụ vi phạm được thực hiện cương quyết, nghiêm minh, đúng người, đúng hành vi vi phạm, có tính răn đe cao, không có khiếu nại xảy ra.