Ý nghĩa những chuyến đi
Khi cái nắng mùa hè trở nên chói chang, những kỳ thi căng thẳng đã qua cũng là lúc các bạn sinh viên đầy lửa nhiệt huyết khoác lên mình chiếc áo xanh tình nguyện, hăng hái đến với đồng bào dân tộc vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Con đường đất đỏ về thôn Bình Lợi, xã Cư Mlan, huyện biên giới Ea Súp lởm chởm ổ gà, ổ vịt. Bạn Nguyễn Thị Thùy Linh tình nguyện viên của trường CĐSP Đắk Lắk, chuyên ngành công tác xã hội chia sẻ: Em tham gia tình nguyện đã 3 năm, với nhiều hoạt động ý nghĩa, đầy kỷ niệm. Huyện Ea Súp là huyện biên giới, quanh năm hạn hán và lũ lụt, cuộc sống bà con cơ cực. Lần đầu tiên đặt chân xuống thôn Bình Lợi, bọn em đã nghe dân nói đây là nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, điện, trường, trạm đều không có. Đồng bào dân tộc miền núi phía bắc di cư vào sinh sống hầu hết không biết chữ. Trẻ em hằng ngày đầu trần chân đất lặn lội 3-4 cây số đến trường học chữ. Thực trạng ấy thôi thúc mỗi tình nguyện viên phải phấn đấu hết mình, để giúp đồng bào vượt qua khó khăn ...
Thanh niên tình nguyện tổ chức sinh hoạt hè cho các em nhỏ
Anh Bế Văn Long, trưởng thôn Bình Lợi chia sẻ: Từ năm 2014 đến nay, vào mỗi dịp hè nhờ có các bạn tình nguyện viên về giúp dân, cuộc sống nơi đây mới dần khởi sắc. Có đường rộng để đi và 6 phòng học cho trẻ con đến trường, cũng từ những công trình xanh.
Trên con đường đất đỏ, hay ruộng lúa, nương ngô, màu áo xanh tình nguyện đẫm mồ hôi dưới nắng chói chang. Nguyễn Thị Huyền (sinh viên trường Đại học Tây Nguyên, ngành văn học K12) chia sẻ: Mỗi lần về với bản làng, trong lòng em lại trào dâng cảm xúc. Lần đến thôn Buôn Đét, xã Ea Tân, huyện Krông Năng, nhìn thấy những căn nhà đơn sơ nằm trên những quả đồi, và những đứa bé lũn cũn phải giúp bố mẹ nương rẫy, chúng em đã hiểu mình phải làm công tác dân vận, dù rất khó khăn. Sống cùng dân mới thấu hiểu nỗi nghèo khổ của họ, mới biết lắng nghe, chia sẻ và tìm ra giải pháp nâng cao đời sống nông dân.
Những cô tấm áo xanh
Sống với buôn làng mới cảm hết được tình làng nghĩa xóm, và hiểu vì sao trong câu chuyện của đồng bào luôn có hình ảnh màu áo xanh tình nguyện giúp dân làm đường, làm các công trình, hoá thân thành cô Tấm dịu hiền làm bữa cơm ấm cúng cho những gia đình nghèo khổ.
Bà Sùng A Chang (thôn 15, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) xúc động: “Gia đình tôi chạy ăn từng bữa. Có hôm đi làm về đói lả, vào nhà bất ngờ thấy trên bàn bày sẵn một mâm cơm tươm tất. Hỏi ra mới biết đây là chương trình “Bữa cơm với người lạ”, được Đoàn viên thanh niên huyện Ea Súp tổ chức, để sau cả ngày mệt nhọc, bà con có một niềm vui thiết thực .
“Bữa cơm với người lạ” ở xã Cư Kbang huyện Ea Súp
Anh Lê Hồng Hạnh, bí thư huyện đoàn Ea Súp cho biết: Chương trình “Bữa cơm với người lạ” được Huyện Đoàn triển khai từ năm 2014. Vào 2 ngày cuối tuần, các bạn trong đội Công tác xã hội tuổi trẻ Ea Súp sẽ tự đóng góp từ 30 – 50 nghìn đồng, tách thành nhiều nhóm, mỗi nhóm 2, 3 bạn về các xã đặc biệt khó khăn, bí mật chuẩn bị bữa cơm tối cho những hộ nghèo nhằm động viên tinh thần bà con.
Từ đầu năm 2016, đội Công tác xã hội trực thuộc Ủy ban Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Cư M’Gar cũng bắt đầu tổ chức chương trình: “Bữa cơm với người lạ”, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, tặng quà…nhằm chia sẻ khó khăn với người già neo đơn và gia đình bất hạnh. Kinh phí hoạt động hiện vẫn do các thành viên trong đội tham gia bán báo, thu lượm ve chai vào các ngày cuối tuần và nguồn hỗ trợ của các cá nhân tổ chức góp.
Chiến dịch thanh niên tình nguyện mùa hè xanh năm 2016 tỉnh Đắk Lắk với chủ đề “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị” được triển khai từ 29/6 đến 29/7/2016 trên địa bàn 15 huyện, thị xã, thành phố với sự tham gia của gần 10.000 đoàn viên hội viên, thanh niên ở các thôn, buôn và các đội hình chuyên của khối thanh niên trường học, lực lượng vũ trang...
Anh Võ Văn Dũng, phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đắk Lắk, chỉ huy trưởng chiến dịch Mùa hè xanh năm 2016 cho biết : Chiến dịch năm nay sẽ tập trung cao cho các hoạt động tình nguyện tại chỗ, huy động các tầng lớp thanh niên, học sinh tham gia mở các lớp ôn tập kiến thức văn hóa hè cho thanh thiếu nhi, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng và củng cố tổ chức Đoàn – Hội tại địa phương, …