Theo các chuyên gia, tình trạng úng ngập này đang diễn ra ở hầu hết các quận, huyện Thủ đô. Quá trình đô thị hóa khiến cho nhiều ao hồ bị san lấp, bê tông hóa nên khi mưa lớn kéo dài, nước không có chỗ thoát sẽ tích tụ trên mặt đường tạo ra những điểm ngập úng.
Theo khảo sát của PV Tiền Phong, nhiều hồ nước đang tiếp tục nằm trong kế hoạch san lấp để xây dựng đô thị. Theo bản đồ kế hoạch sử dụng đất thành phố Hà Nội năm 2020, tại quận Hoàng Mai tiếp tục có 3 hồ lớn sẽ bị san lấp. Đó là hồ nước hơn 5 ha gần dự án Gamuda Garden (phường Yên Sở) sẽ được san lấp để xây dựng dự án Khu đô thị Tân Hoàng Mai. Phía đối diện, hồ nước hơn 3 ha đối diện số 126 Tam Trinh sẽ được san lấp xây dựng dự án Khu chung cư và dịch vụ công cộng TDC…
Nên giữ diện tích ao hồ
Thông tin từ Sở TN&MT Hà Nội cho biết, giai đoạn 2015- 2020, diện tích mặt nước tự nhiên đô thị giảm 203,6 ha.
Người dân Thủ đô bì bõm trong nước sau cơn mưa chiều 29/5. Ảnh: Duy Phạm |
KTS Nguyễn Anh Tuấn (Cty Kiến trúc ATH Home) cho biết, Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước tầm nhìn đến năm 2050, nhiều quận, huyện cũng đã có quy hoạch thoát nước chi tiết cho từng địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai thiếu tính đồng bộ. Ở quận Long Biên, hàng loạt hồ như Xuân Quế, Đầm Nấm... đã bị san lấp, nhưng hồ thoát nước theo quy hoạch lại chưa được đầu tư. Trong khi đó, các dự án hạ tầng, dự án thương mại ở khu vực này liên tục được xây dựng. Như vậy, kể cả khi có quy hoạch thì nhà đầu tư vẫn tìm cái lợi mà đầu tư trước. “Cần thiết phải có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào việc phát triển cây xanh, hạ tầng. Thúc đẩy được nguồn lực này thì mới đảm bảo quy hoạch và giải quyết được bài toán cứ mưa là ngập ở Thủ đô”, ông Tuấn nhận định.
Theo PGS.TS Hà Đình Đức, tại các đô thị trên thế giới, quy hoạch đô thị đều ưu tiên tránh những nơi có cây xanh, hồ nước tự nhiên khi thực hiện dự án. Ông Đức khẳng định: “Diện tích ao, hồ bị thu hẹp cũng làm giảm khả năng tiêu thoát, điều hòa nước mưa của đô thị, khiến tình trạng ngập úng lan rộng. Do đó, việc đảm bảo diện tích ao hồ của Thủ đô không bị sụt giảm là rất quan trọng. Đây không chỉ là câu chuyện của chính quyền các cấp mà còn là trách nhiệm của cộng đồng”.
Chia sẻ với báo chí, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng, để giải quyết bài toán ngập lụt, cần xây dựng chính sách xã hội hóa để tăng nguồn vốn cho hệ thống thoát nước. Ngoài ra, cần có một bản quy hoạch mới “tinh” hơn, thực tế hơn, chứ không thể dựa trên bản quy hoạch cũ.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, cho rằng, vấn đề kết nối hạ tầng vẫn luôn là bài toán khó còn tồn tại nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết. Hàng trăm dự án khu đô thị được xây dựng và đi vào hoạt động nhưng lại thiếu đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị với hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực dẫn tới những tình trạng như tắc đường, ngập úng, ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn.