Bìa đĩa album sắp phát hành của Ánh Tuyết |
Mọi việc bắt đầu từ khi gia đình nhạc sĩ đến nhờ Ánh Tuyết tổ chức đêm nhạc ở phòng trà dịp giỗ đầu ông. Xem kịch bản sơ bộ chương trình Bông hồng cho anh, bước đầu hình dung ra tầm cỡ của một nhạc sĩ. Chương trình chia làm bốn phần Quê hương, Khát vọng, Tình yêu, Sự sống với 15 ca khúc và một tổ khúc - nhiều bài chưa từng công bố.
Hơi lạ khi chương trình riêng Phạm Thế Mỹ - tác giả những bài hát nổi tiếng như Bông hồng cài áo, Thương quá Việt Nam, Đường về hai thôn, Nắng lên xóm nghèo… chỉ thực hiện khi ông qua đời.
Ánh Tuyết lý giải: “Một phần do tính cách của ông - không muốn phô trương. Ông không những khó tính mà còn khó chịu và bảo thủ (cười). Nhạc của ông, ai muốn đổi cho hợp thời, ông không chịu: Của tôi rứa, hát thì hát không hát thì thôi!
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ thời trẻ |
Nhắc đến nhạc Phạm Thế Mỹ, sinh viên cùng thời ông rất xúc động. Một thời (1970-1975), ông nắm dàn hợp xướng và điều khiển ban Văn nghệ Đại học Vạn Hạnh. Ông sống đơn giản, không làm phiền ai, dù sau này ông khó khăn, bệnh nhiều”.
“Tôi tiếp xúc với ông vài lần”, Ánh Tuyết kể, “Có Việt kiều muốn tôi lên danh sách nhạc sĩ, nhà thơ lớn tuổi, nghèo để hỗ trợ. Tôi đưa Phạm Thế Mỹ vào. Gặp tôi ông cười hồn nhiên: Có 500 đô đó mà chú ăn Tết vui vẻ sung sướng! Câu nói làm tôi xúc động…”.
Cảm thấy nếu làm đêm nhạc Phạm Thế Mỹ chỉ ở phòng trà ATB thì “ngậm ngùi” quá, Ánh Tuyết liều đề nghị gia đình đưa ra nhà hát Hòa Bình.
“Gia đình nói, trời vậy tiền đâu làm. Tôi kêu, cứ liệu cơm gắp mắm. Những ca khúc của ông đi vào lòng người là điều thu hút khán giả” - Ánh Tuyết nói. “Các ca sĩ tham gia rất nhiệt tình, không đòi hỏi gì. Mấy anh chị là học trò của ông ở trường ĐH bàn nhau đi bán vé”.
Ánh Tuyết gửi thư ngỏ nhiều nơi mong ai đó hỗ trợ kinh phí tổ chức chương trình và ghi hình DVD, nhưng đến giờ phút này, chị vẫn bỏ tiền túi ra làm với hy vọng bù bằng tiền vé (giá từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng/vé).
Chương trình có sự tham gia của: Ánh Tuyết, Quang Linh, Cẩm Ly, Tùng Dương, Đức Tuấn, Vân Khánh, Thùy Dương, Thanh Thúy, Xuân Phú, Nguyên Thảo, Thụy Long, Quỳnh Lan, Phi Thúy Hạnh…
Còn gì cho em đáng ra do ca sĩ Diệu Lý - phu nhân nhạc sĩ - trình bày, sau chuyển sang Hồ Ngọc Hà. “Gia đình nói, thà để người nổi tiếng vô để bán vé cái đã”, Ánh Tuyết cho hay.
“Cô Diệu Lý hồi xưa hát lửa lắm đó. Bài đó chính là viết cho cô ấy. Đọc lời tôi đoán vậy: Còn gì cho em ngoài mái tóc chấm pha sương đầy nước mắt/Còn gì cho em ngoài chiếc gối ấm trong đêm…/ Tay trong tay chúng ta qua những ngày khó khăn”.
Bắt tay vào làm chương trình, mới có 12 bài của Phạm Thế Mỹ được cấp phép. Ánh Tuyết đào xới trên mạng, tìm ra những đĩa rất cũ của Phạm Thế Mỹ qua các giọng ca của Miên Đức Thắng, Đan Thanh, Xuân An, Giao Linh, Sỹ Phú, Thái Thanh, Hà Thanh, Thanh Lan...
“Không có tư liệu văn bản, đành nghe nhạc chép lại, gia đình xác nhận rồi mang đi xin phép được 11 bài nữa. Nhờ vậy, tôi hiểu thêm về ổng, thêm nặng lòng, rồi mình mê…”.
Ánh Tuyết thú nhận, giật mình khi biết Phạm Thế Mỹ là tác giả Tóc mây, chị tưởng ông chỉ sở trường mảng quê hương. Những người lớn tuổi hơn biết thêm ông ở mảng khát vọng.
Năm 1965-1966, ông bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam vì đấu tranh trong phong trào Phật giáo. Bông hồng cài áo (lấy ý thơ Thích Nhất Hạnh) ra đời trong thời gian này.
Ánh Tuyết thu một lúc hai album nhạc Phạm Thế Mỹ. Hai đĩa Còn gì cho em (nhạc tình) và Đàn chim trắng (nhạc quê hương) sẽ phát hành trong đêm Bông hồng cho anh. Nếu hiệu ứng tốt, chị sẽ đem chương trình ra Hà Nội. Ánh Tuyết cũng hé lộ ý định muốn độc quyền nhạc Phạm Thế Mỹ một thời gian. |