Theo kết quả trưng cầu dân ý, người dân Anh chọn rời khỏi EU (hiện tượng Brexit) với 51,9% số phiếu ủng hộ, trong khi đó chỉ có 48,1% số phiếu mong muốn Anh ở lại EU.
Thủ tướng Anh David Cameron sẽ có bài phát biểu kêu gọi “ổn định và đoàn kết” sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố.
Theo Telegraph, Brexit có ảnh hưởng lớn tới các quốc gia trong cộng đồng EU. Họ cho rằng sự ra đi của nền kinh tế lớn thứ hai trong khối sẽ làm suy yếu ảnh hưởng toàn cầu của châu Âu và khiến phong trào chống liên kết với EU nổi lên ở các nước khác.
Sau vụ Brexit, Lãnh đạo đảng Tự do của Hà Lan, ông Geert Weilders lên tiếng kêu gọi Hà Lan theo bước Anh. Ông cho biết trên trang Twitter cá nhân: “Chúng tôi muốn quản lý đất nước, tiền tệ, biên giới và chính sách nhập cư theo cách riêng của chúng tôi. Nếu tôi là Thủ tướng, Hà Lan cũng sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý về việc ra đi hay ở lại EU. Hãy để người Hà Lan quyết định”.
Italia cũng muốn trưng cầu dân ý ra khỏi khu vực đồng tiền chung. Hãng Sputnik ngày 23/6 dẫn lời Phó Chủ tịch Hạ viện Ý Luigi Di Maio, thành viên của đảng “Phong trào năm sao” cho biết: “Chúng tôi muốn tham khảo ý kiến dân chúng về các vấn đề của đồng euro”.
Luật pháp Italia trên thực tế không cho phép nước này tổ chức các cuộc trưng cầu để tách ra khỏi các điều ước quốc tế. Tuy nhiên, đảng “Phong trào năm sao” hy vọng cuộc trưng cầu dân ý là thước đo phản ứng của dư luận đối với làn sóng tách ra khỏi các thể chế ràng buộc của Liên minh châu Âu.