Ấn tượng Tết Việt

Ấn tượng Tết Việt
TP - Dư vị ngày Tết vẫn đang ngập tràn trên các con đường, ngõ phố, các bữa ăn, không khí gia đình. Với bạn bè quốc tế, Tết Việt luôn để lại ấn tượng sâu đậm bởi sự đầm ấm, nét đặc sắc phong tục truyền thống...

> Khi Tây nghiện Tết ta
> Tết Việt ở Hamburg

Lần thứ 2 đón Tết cổ truyền Việt Nam, bà Antje Sahling (quốc tịch Đức), Phó TGĐ Khu nghỉ dưỡng Intercontinental (Sơn Trà, Đà Nẵng) tỏ ra tháo vát tổ chức luôn Tết cho cả... nhân viên người Việt Nam. Đêm giao thừa, bà bày biện đủ các loại bánh chưng, tét, nước uống cùng mọi người hòa chung không khí đón chào năm mới.

“Ở Đức, tết nhiều khi không quan trọng bằng ăn mừng lễ Giáng sinh. Không khí rộn ràng, đường sá tấp nập. Nhưng Tết Việt ấn tượng hơn nhiều bởi nét văn hóa truyền thống, thái độ cởi mở, vui tươi, đón chào năm mới của mọi người”, bà Antje nói.

Năm 2011, bà Antje lần đầu đón Tết Việt tại Đà Nẵng. Bà tự mình tìm hiểu nét văn hóa, cách gói bánh chưng, bày biện mâm cỗ đầu Xuân của người Việt...

“Người thân mới chỉ nghe tôi kể chuyện về Tết Việt chứ chưa được tham dự. Dịp gần nhất, tôi sẽ mời cả nhà sang Việt Nam để đón Tết để cảm nhận không khí đặc biệt này”, bà Antje bộc bạch.

Những ngày đầu Xuân, ông Chuck Palazzo (quốc tịch Mỹ, thành viên Hội cựu chiến binh vì hòa bình (Mỹ) tất bật đủ công việc chúc tết, đón khách trong căn nhà thuê tạm trên địa bàn phường An Hải Bắc, Sơn Trà, TP Đà Nẵng).

Từng là cựu binh lính hải quân Mỹ, tham chiến Việt Nam, ông Chuck đau đáu mong có dịp trở lại mảnh đất này để khắc phục nỗi lầm lịch sử.

Năm 2001, ông bắt đầu hành trình trở lại Việt Nam của mình. Hết đón Tết ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, ông có dịp đón Tết cổ truyền người Việt tại Đà Nẵng.

Bà Antje Sahling hòa chung không khí ngày Xuân, chúc Tết các nhân viên
Bà Antje Sahling (bên phải) hòa chung không khí ngày Xuân, chúc Tết các nhân viên.

Theo ông Chuck: Tết Việt là không gian của sự đoàn tụ, sum vầy. Đặc biệt, món ăn Tết của người Việt rất phong phú, đa dạng, ngon và đặc sắc.

“Người miền Trung có nhiều món ăn cầu kỳ lắm. Tôi đi chúc Tết được ăn đủ loại thực phẩm. No mà không bị ngán. Vui hơn, Tết ở đây được nghỉ dài ngày. Mọi người cùng ăn Tết thoải mái và trở lại công việc của mình”, ông Chuck nói.

Đã thành thông lệ, Tết Việt với bà Kathleen (bang Missouri, Hoa Kỳ) không còn xa lạ. Nhưng năm nào, bà cũng đón Tết với sự háo hức, mong chờ. Bà Kathleen cùng chồng và 2 con trai quyết định rời Mỹ để đến Việt Nam từ hơn chục năm trước.

Tham gia tổ chức từ thiện World Care và “Việt Nam đã chọn tôi”, người phụ nữ Mỹ có cơ hội tiếp xúc nhiều vùng dân cư, văn hóa, tập quán người Việt.

Ấn tượng nhất với bà chính là Tết cổ truyền. Năm nào cũng thế, dịp Tết đến, bà lại tất bật chuẩn bị đủ thứ, tự tay làm bánh chưng, đồ dùng phù hợp với phong vị ngày Xuân.

“Bội thu” du khách dịp Tết

Hiếm dịp Tết Nguyên đán nào, cả lượng du khách trong và ngoài nước, bằng đường bộ, biển, hàng không đến Đà Nẵng lại tăng cao như dịp nghỉ Tết Quý Tị 2013.

Thống kê từ Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng: Tổng lượt khách đến tham quan, du lịch trên địa bàn trong dịp Tết năm nay ước đạt gần 150.000 lượt khách, trong đó, khách quốc tế tăng cao với tổng số gần 48.000 du khách. Tổng lượng khách lưu trú dịp Tết trên địa bàn tăng cao, ước đạt gần 43.000 khách. Phần lớn khách quốc tế đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Úc, Mỹ, Đài Loan, Thái Lan.

Đáng nói, không chỉ “bội thu” khách đường bộ, lượng khách đổ về Đà Nẵng ở các loại hình vận tải đường không, tàu biển tăng cao. Chỉ tính riêng từ mồng 1 đến mồng 3 Tết, Đà Nẵng đón 1.400 du khách quốc tế đường biển. Hơn 40 chuyến bay đưa 5.160 lượt khách quốc tế đến Đà Nẵng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2012.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG