Ấn-Trung xoa dịu căng thẳng biên giới

Ấn-Trung xoa dịu căng thẳng biên giới
TP - Ngày 22/10, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Dự kiến, giải quyết vấn đề biên giới chiếm vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự.

> Ấn Độ tăng cường 'Hướng biển'
> Lơ lửng khả năng xung đột biên giới Ấn - Trung

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (phải) và người đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường tại New Delhi ngày 20/5. Ảnh: AP
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (phải) và người đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường tại New Delhi ngày 20/5. Ảnh: AP.

Tháo ngòi nổ biên giới

Trước thềm chuyến thăm 5 ngày đến Nga và Trung Quốc, Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh, dù có những vấn đề lịch sử về biên giới, Ấn Độ và Trung Quốc cần nỗ lực giải quyết chúng một cách thận trọng và chân thành, không làm ảnh hưởng bầu không khí hợp tác hữu nghị. Cần có sự kết nối chiến lược giữa các nhà lãnh đạo hai bên, nhằm tìm kiếm cách giải quyết vấn đề biên giới và hướng tới tương lai.

Ấn Độ và Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng Hiệp định hợp tác quốc phòng biên giới, sau sự kiện quân đội Trung Quốc hồi mùa hè vượt qua đường biên giới sâu tới 20km và đồn trú dài ngày tại khu vực Depsang do hai nước kiểm soát 2 phần khác nhau.

Quan chức của cả hai phía đang ráo riết làm việc để thỏa thuận này được ký kết trong chuyến thăm của ông Singh. Hiệp định được xây dựng nhằm đảm bảo việc tuần tra dọc đường kiểm soát thực tế không bùng phát thành đối đầu quân sự.

Cụ thể, hai nước sẽ thông báo cho nhau về các cuộc tuần tra dọc biên giới và đảm bảo giảm thiểu khả năng nổ ra giao tranh. Hai bên cũng sẽ lập đường dây nóng giữa các sĩ quan cấp cao.

Tuy nhiên, ông Kondapalli, Trưởng khoa nghiên cứu Đông Á của Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, lại không mấy lạc quan về triển vọng sớm giải quyết ổn thỏa vấn đề biên giới Ấn-Trung. “Sẽ không có cây đũa thần nào giúp ông Singh ra về với một kết quả như ý”, ông Kondapalli nhận định.

Sujit Dutta, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Jamia Milia (Ấn Độ), cho rằng, ông Singh phải chịu sức ép rất lớn trước giới truyền thông và dư luận trong nước nếu có bất kỳ nhượng bộ nào trước Trung Quốc về vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Những mối lo ngại

Dự kiến, Thủ tướng Manmohan Singh còn thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về cách thức củng cố lợi ích chiến lược chung giữa hai quốc gia. Sau hội đàm và ăn trưa với Thủ tướng Trung Quốc, ông Singh sẽ tham dự bữa tiệc tối thân mật với Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là dịp hiếm hoi Trung Quốc dành cho một nhà lãnh đạo Ấn Độ. Dự kiến, Thủ tướng Ấn Độ cũng được mời nói chuyện với các nhà lãnh đạo tương lai của Trung Quốc đang học tập tại trường đảng ở Bắc Kinh.

Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia đông dân nhất và cũng là hai nền kinh tế mới nổi năng động nhất thế giới. Trung Quốc vừa là nước láng giềng khổng lồ, vừa là đối tác thương mại lớn của Ấn Độ với kim ngạch thương mại hai chiều lên đến 68 tỷ USD.

Trong chuyến thăm này, dự kiến, ông Singh đề xuất một loạt danh mục hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, phát triển hạ tầng, vận tải qua biên giới, phát triển năng lượng, nông nghiệp, khoa học công nghệ, hợp tác thanh thiếu niên, giao lưu nhân dân...

Thủ tướng Singh cũng được dư luận Ấn Độ trông đợi sẽ đề cập những vấn đề nhạy cảm hơn tồn tại lâu nay trong quan hệ với Trung Quốc, như cải thiện tình trạng Ấn Độ bị thâm hụt thương mại tới 40,77 tỷ USD với Trung Quốc.

Một số báo Ấn Độ như The Hindu, India News đã phỏng vấn Ngoại trưởng Ấn Độ Sujatha Singh trước chuyến công du về việc Trung Quốc xây cho Pakistan 2 lò phản ứng hạt nhân công suất 1.000MW.

Tranh cãi cũng nổi lên mới đây về việc Trung Quốc cấp visa cho hai cung thủ Ấn Độ đến từ vùng Arunachal Pradesh, khu vực do Ấn Độ quản lý nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Dư luận Ấn Độ còn bày tỏ quan ngại về khả năng Trung Quốc có thể khống chế nguồn nước quý giá từ Tây Tạng chảy vào sông Brahmaputra của quốc gia Nam Á...

Trước khi đến Trung Quốc, Thủ tướng Manmohan Singh thăm Nga, đối tác chiến lược truyền thống của Ấn Độ, và hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Nga-Ấn lần thứ 14. Hai bên đã ký một loạt thỏa thuận trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, năng lượng hạt nhân, thương mại và đầu tư. Hai nước tập trung vào việc hợp tác và mua bán thiết bị quốc phòng - một trong những trọng tâm của quan hệ song phương Nga-Ấn. Nhiều khả năng Ấn Độ sẽ thuê một tàu sân bay hạt nhân thứ 2 của Nga, sau thỏa thuận thuê tàu tấn công INS Chakra năm 2012.

Đặng Vương Hạnh
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG