Ăn tiết canh cùng rượu sẽ “diệt” được liên cầu khuẩn lợn?

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Nhiều “đệ tử” của món tiết canh đã “vẽ” cho nhau chiêu thức chống lại những bệnh nguy hiểm có thể truyền qua người từ món ăn khoái khẩu này. Thế nhưng, thực tế đã có ca tử vong hoặc sống dở chết dở trong đau đớn vì nhiễm liên cầu khuẩn lợn từ ăn tiết canh.

“Uống cùng rượu thì liên cầu giời cũng chết” 

Tại quán cháo lòng khá nổi tiếng trên đường Đội Cấn, Hà Nội, một nhóm bạn trẻ năm sáu người gọi ra đến 10 bát tiết canh rồi cùng nhau ăn uống rất hào hứng. Hỏi rằng báo đài đưa tin ầm ầm về chuyện ăn tiết canh nhiễm đủ thứ bệnh, bao người phải nhập viện cấp cứu, rồi tử vong… Huy, một thanh niên trong nhóm tay giơ cao chén rượu, vừa cười vừa nói “anh có bảo bối đây này, bảo bối gia truyền luôn đấy, uống cái này khi ăn tiết canh thì liên cầu giời cũng chết chứ đừng nói liên cầu khuẩn”.
Theo nhóm bạn này thì họ đến đây ăn cháo lòng thường xuyên và tiết canh là món không thể thiếu trong thực đơn. Thậm chí vào các ngày đầu tháng thì có khi ăn đến 2 bữa để cho … đỏ!?
Ca bệnh nhiễm liên cầu khuẩn gần đây nhất mà Bệnh viện (BV) Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận là anh N.H.T (35 tuổi, ở tỉnh Lai Châu). 5 ngày sau bữa liên có món tiết canh lợn cắp nách cùng bạn bè, bệnh nhân chuyển từ tuyến tỉnh xuống trong tình trạng sốc, sốt cao, người mệt lả, trên da xuất hiện các ban hoại tử. Theo gia đình bệnh nhân, trước đó, anh T. mua được một con lợn cắp nách của người dân trong bản về liên hoan cùng bạn bè. Anh T. cũng là người trực tiếp giết mổ và chế biến, làm tiết canh mời khoảng 20 người ăn. Theo các bác sĩ, hiện bệnh nhân T. đã tỉnh nhưng vẫn còn tình trạng sốc, có ban hoại tử khắp toàn thân, tập trung ở mặt, chân tay, có tình trạng tắc mạch hoại tử đầu ngón chân ngón tay, rối loạn đông máu nặng. 

Không có cách nào tiêu diệt vi khuẩn trong tiết canh

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phụ trách Khoa Cấp cứu, BV Nhiệt đới Trung ương, cho biết hàng năm tại BV này tiếp nhận khoảng 100 ca mắc liên cầu khuẩn rải rác ở khắp các địa phương. Phần lớn các ca bệnh đó liên quan đến ăn tiết canh hoặc tham gia giết mổ lợn.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ lợn. Người bị bệnh có biểu hiện đa dạng nhưng hay gặp nhất là hai thể viêm màng não và sốc nhiễm khuẩn. Bệnh thường để lại biến chứng nặng và có thể tiến triển nhanh thành suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Trong thời gian vừa qua, nước ta liên tục ghi nhận các trường hợp mắc liên cầu lợn ở người có liên quan đến ăn các sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín như: tiết canh, thịt và phủ tạng của lợn chưa được nấu chín.
Bệnh thường tăng vào dịp trước và sau Tết khi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn cao. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh.
Vì vậy, nếu ăn các sản phẩm thực phẩm chưa nấu chín vẫn có thể mắc bệnh. Hơn nữa, liên cầu khuẩn heo lây sang người gồm 3 thể: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp dù mới mắc nhưng đã rất nặng. 

Các BS cũng khẳng định không có cách nào tiêu diệt được liên cầu lợn trong tiết canh.Cách duy nhất để phòng nhiễm bệnh liên cầu lợn là phải ăn chín, uống sôi. Khi giết mổ lợn cần tuân thủ đúng quy trình vì nếu để thực phẩm gần nơi mổ lợn gần rổ rau sống cũng dễ bị nhiễm liên cầu lợn giống như chúng ta ăn tiết canh. Còn việc uống rượu để diệt liên cầu lợn là không có cơ sở. 

Triệu chứng nhận biết người nhiễm liên cầu khuẩn lợn

Khi mắc bệnh do liên cầu khuẩn lợn, người bệnh thường sốt cao, đau đầu, ù tai, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau như xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hóa. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị nhiễm độc tố rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
Sau khi ăn thịt hoặc tiếp xúc với lợn, nếu xuất hiện triệu chứng sốt cao, nhức đầu, nôn nhiều, đau họng, bạn cần đến khám ngay ở cơ sở y tế. Khi giết mổ lợn hoặc tiêu hủy lợn nhiễm bệnh, người dân phải sử dụng đồ bảo hộ. Không mua bán, giết thịt, ăn thịt lợn bệnh và chết.
Đặc biệt những người có vết thương hở không nên tiếp xúc hoặc tham gia giết mổ, chế biến thịt lợn. Người tiêu dùng chỉ nên mua thịt lợn ở nơi tin cậy, có đóng dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Giữ vệ sinh và ăn chín là cách tốt nhất để phòng bệnh liên cầu lợn ở người.
Người chăn nuôi lợn nên chọn con giống rõ nguồn gốc, thực hiện vệ sinh phòng bệnh, khử trùng tiêu độc, tiêm phòng các loại vắc xin theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Để chủ động phòng chống bệnh Liên cầu lợn ở người, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín.

2. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

3. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

4. Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.

5. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

MỚI - NÓNG