Ăn rươi thế nào để không phải đi cấp cứu?
Thịt rươi rất thơm, ngon, bổ dưỡng và có nhiều chất đạm hơn cả cua, tôm, ghẹ. Nhưng đã có một số người phải cấp cứu vì ăn rươi. Làm sao ăn rươi vừa ngon, vừa bổ mà lại đảm bảo an toàn?
Những người có tiền sử dị ứng với một số thức ăn giàu đạm như hải sản thì nên thận trọng với rươi. |
Con rươi còn gọi là bách cước (trăm chân) hoặc hòa trùng, trông giống con rết với màu xanh, vàng, tía, thuộc bộ giun đốt, có nhiều lông tơ, sống ở đáy pha cát vùng nước lợ. Thịt rươi rất thơm, ngon, bổ dưỡng và có nhiều chất đạm hơn cả cua, tôm, ghẹ. Nhưng đã có một số người phải cấp cứu vì ăn rươi. Làm sao ăn rươi vừa ngon, vừa bổ mà lại đảm bảo an toàn?
Đạm ở rươi rất dễ gây dị ứng
Ngày 21/11 Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân T.L.L, 22 tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội, cấp cứu trong tình trạng tụt huyết áp, lạnh run toàn thân, khó thở, xét nghiệm thấy máu cô đặc vì mất nước do nôn, đi ngoài quá nhiều... Bệnh nhân có tiền sử bị ngộ độc rươi, nhưng trong một bữa tiệc vì nhầm chả rươi là chả thịt lợn nên đã ăn vào và 30 phút sau đã bị dị ứng khắp mặt, mắt sưng húp, chóng mặt, nôn…
Trước đó bệnh nhân khác là P.M.T, 33 tuổi ở Từ Liêm, Hà Nội cũng có tiền sử dị ứng với một số thức ăn lạ, sau khi ăn thử một miếng chả rươi nhỏ, 10 phút sau đã thấy môi, lưỡi tê, cảm giác tê bì lan khắp cơ thể. Tuy đã gây nôn, nhưng 30 phút sau bệnh nhân đã khó thở, chóng mặt, không thể tự đi lại. Bệnh viện Quân đội 354 cũng từng cấp cứu cho 3 nạn nhân bị ngộ độc do ăn chả rươi dẫn đến ngứa toàn thân, nổi mẩn, tiêu chảy.
Theo Ths. BS Trần Thuấn, Khoa Đông y, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), rươi là thực phẩm giàu đạm, nhưng ăn rươi cơ thể sẽ hấp thu lượng đạm như một dị nguyên, ngấm vào ruột, vào máu, gây phản ứng cho cơ thể bởi chất đạm của rươi khác với đạm trong thịt lợn, thịt bò nên dễ gây dị ứng.
Các loài nhuyễn thể nói chung, rươi nói riêng sống dưới đáy bùn cát, nên có nhược điểm là dễ nhiễm những chất độc từ môi trường, nhất là ở những nơi nước bị ô nhiễm. Nhuyễn thể còn có thể là vật trung gian truyền nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như: Salmonella, E.Coli… Đặc biệt các nhuyễn thể khi chết dễ bị phân hủy sinh ra độc tố. Ăn phải rươi chết vừa không ngon mà còn dễ bị ngộ độc hoặc tiêu chảy cấp rất nguy hiểm.
Đặc điểm riêng của mùa rươi là chỉ rộ trong tháng 10 (âm lịch) nên muốn trữ rươi lâu (nhất là các nhà hàng, quán ăn) thường bảo quản rươi trong tủ lạnh. Việc bảo quản lạnh quá lâu, không đúng quy trình, không hợp vệ sinh có thể khiến rươi bị nhiễm độc tố của vi khuẩn, hay gặp là độc tố tụ cầu gây tiêu chảy.
Triệu chứng ngộ độc rươi
Chị Lê Thị Thủy, chuyên bán rươi ở chợ Liễu Giai (Hà Nội) cho biết, khi chế biến món ăn với rươi nói riêng, loài nhuyễn thể nói chung, cần chọn những con còn sống, loại bỏ những con chết để đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
Món rươi có sự phối hợp với vị thuốc Đông y có tên trần bì (vỏ quýt), vì mang tính ấm, điều hòa khí, mạnh tỳ vị… giúp món ăn vừa thơm, vừa phòng chứng đầy bụng, đau bụng, nôn, tiêu chảy, ăn kém tiêu… hay gặp sau khi ăn rươi.
Ths. BS Trần Thuấn cho biết, những người có tiền sử dị ứng với một số thức ăn giàu đạm như hải sản, nên thận trọng trước các món rươi hấp dẫn. Nên tránh hẳn món rươi nếu đã từng bị ngộ độc, vì cơ thể phản ứng mạnh với dị nguyên gây ngộ độc sẽ làm lần ngộ độc sau nặng và nguy hiểm hơn lần ngộ độc trước.
Ngộ độc rươi có thể xuất hiện từ vài giờ hoặc nửa ngày sau khi ăn, trường hợp cấp sẽ xuất hiện triệu chứng khoảng 30 phút sau ăn, gây sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu kịp thời bệnh nhân có thể tử vong.
Do đó, sau khi ăn rươi nếu thấy một trong các triệu chứng như nổi ban, mẩn ngứa, tê bì vùng lưỡi, miệng hoặc tê bì toàn bộ vùng mặt, chân tay, bị nôn, tiêu chảy… cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để cứu chữa kịp thời.
Để có món rươi ngon
*Chọn rươi:
- Muốn có món rươi ngon cần chọn rươi tươi, thân to, đỏ, còn bò khỏe.
- Chọn những con bên trên vì những con bên dưới thường là đã vỡ bụng, mùi tanh, hôi, màu xanh, thân nhỏ, bò yếu vì là rươi non hoặc rươi sắp chết.
*Làm sạch rươi:
- Món rươi cần “làm lông” sạch vì lông rươi gây ngứa, rát cổ họng.
- Khi mua rươi về, bạn nên đổ vào rổ nan dày, ngâm nước ấm 45 độ C.
- Dùng đũa khuấy nhẹ (để rươi không vỡ ruột) để cặn bã, chất bẩn, chân rươi nổi lên trên.
- Vớt rươi ra, rửa lại nhiều lần bằng nước lạnh để ráo nước thì đổ vào bát to, đánh nhuyễn cùng với các gia vị nguyên liệu.
*Chế biến:
Rươi có thể chế biến thành nhiều món ăn khác như: Rươi nấu măng, rươi rán, rươi kho, rươi xào củ niễng, rươi làm mắm rươi… Nhưng ngon và phổ biến nhất là món chả rươi (rươi đúc trứng).
- Nguyên liệu làm chả rươi gồm: Trứng, vỏ quýt, thịt nạc băm (nạc vai ngon nhất), hành hoa, thìa là, nước mắm, hạt nêm (có thể thêm lá gừng, lá xương xông, lá gấc càng thơm).
- Tất cả băm nhuyễn, trộn đều, nêm hạt tiêu, gia vị rồi cho vào chảo rán vàng hoặc dùng nồi hấp xôi, lót lá chuối rồi cho từng bánh rươi vào hấp. Khi rươi chín thì thả vào chảo mỡ nóng già, đun nhỏ lửa tới lúc bánh rươi có màu vàng đều hai mặt.
- Chả rươi chín vàng ăn nóng, vị ngọt đậm, chấm với nước mắm nguyên chất – chanh - ớt, ăn kèm rau thơm, húng thơm, húng quế, xà lách…
Theo Hà Dương
Gia đình&Xã hội