Ân hận vì không khám sức khỏe trước khi cưới

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Khám sức khỏe trước hôn nhân là cần thiết để có một gia đình hạnh phúc. Khi mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nên hoãn kết hôn.

Trước khi cưới, Hoa (27 tuổi, Thanh Hóa) đã 'thử' khả năng đàn ông của bạn trai mình. Thế nhưng cô vẫn không tránh khỏi tình cảnh lấy chồng 1 năm mà không có con vì anh bị vô sinh.

Lấy nhau được 1 năm nhưng không có con, Hoa và chồng quyết định đi khám sức khỏe. Khi ấy cô mới ngớ người vì anh chồng khỏe mạnh trong 'chuyện ấy' như thế mà thực ra lại bị teo hai tinh hoàn, đến mức gần như không có.

Bác sĩ cho biết tình trạng của chồng cô rất khó chữa, mà có khỏi cũng mất nhiều thời gian. Hoa chán nản vì không biết đến bao giờ cái ước mơ giản đơn của cô là có một mụn con mới trở thành hiện thực. Nếu biết trước ngày cưới có lẽ cô sẽ không quyết định lấy anh.

"Nhưng giờ mọi chuyện mới vỡ lở thì có thể thay đổi được gì. Bỏ thì người ta bảo mình độc ác, mà không bỏ thì không biết hai người sẽ phải theo đuổi công việc chạy chữa đến bao giờ", Hoa nói.

Theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, thuộc Trung tâm phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (số 4A2 Nguyễn Khánh Toàn, Hà Nội), những người tinh hoàn bị teo nhỏ có thể giao hợp hoàn toàn bình thường, chỉ khác là họ không thể khiến bạn tình mang thai vì không thể sản sinh ra tinh trùng. Và điều này chỉ có thể phát hiện nếu đi khám.

Chị Lan (30 tuổi, Hà Nội) cũng gặp phải những rắc rối về vấn đề sinh con nhưng điều trớ trêu ở chỗ chị có thai nhưng không thể giữ được đứa bé.

Lấy nhau được 2 tháng thì chị có tin vui, cả gia đình ai cũng mừng. Thế rồi đùng một cái chị sảy thai. Lúc ấy chị chỉ nghĩ có lẽ do mình làm việc nhiều nên thai bị động. Nhưng đến lần sảy thứ hai thì chị quyết định đi khám. Bác sĩ cho biết chị có cổ tử cung thấp bẩm sinh nên cứ có thai là sảy. Vì thế lần sau khi có thai, chị phải nhập viện để thai nhi lớn lên bình thường.

Bác sĩ Dung cho biết cũng đã có cô gái đến đây khám trước khi làm đám cưới và tỏ ra rất lo lắng, sợ có phải màng trinh của mình dày quá không mà khi thử quan hệ, chồng sắp cưới không thể làm rách nó được. Trò chuyện với bác sĩ cô mới biết hóa ra là tại 'thằng nhỏ' của anh ấy không đủ cương cứng để có thể làm rách cái màng mỏng ấy, chứ không phải tại cô.

Những chuyện lấy nhau rồi mới biết chồng yếu sinh lý hoặc chồng (vợ) bị vô sinh hoặc mắc bệnh di truyền không phải là hiếm gặp. Nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tình cảm vợ chồng mà còn kéo theo các yếu tố khác như kinh tế, sức khỏe, tâm lý; lâu dài là ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

Điều đáng nói là phần lớn những rắc rối ấy có thể dự phòng được nếu cả hai đi khám sức khỏe trước khi cưới. Thế nhưng thực tế đa số mọi người chỉ đi khám khi thấy mắc bệnh hoặc là sau thời gian dài kết hôn mà không có con, bác sĩ Dung cho biết.

"Các bạn trẻ thường ngại đề cập đến vấn đề này, họ sợ chạm đến lòng tự ái của nhau và cho rằng đó là việc làm không cần thiết. Nhưng thực tế thì điều đó không chỉ giúp giải tỏa những băn khoăn lo lắng trước khi cưới về khả năng có con mà còn là biện pháp giữ gìn và chăm sóc sức khỏe cho bản thân và người bạn đời của mình", bác sĩ Dung nhấn mạnh.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân gồm có xem xét tiền sử bệnh của hai bên, có bệnh về rối loạn tâm thần, bệnh di truyền (hội chứng Down, câm điếc bẩm sinh, ung thư...), bệnh truyền nhiễm, các quan hệ huyết thống, bệnh sử gia đình. Và kiểm tra cả sức khỏe chung, thăm khám cơ quan sinh dục ngoài và trong, tình trạng kinh nguyệt, xuất tinh...

Ngoài ra, theo bác sĩ Dung, cũng cần khám để phát hiện trước những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như lậu, giang mai, HIV/AIDS. Khi mắc những bệnh này thì nên hoãn kết hôn vì có thể lây bệnh cho bạn tình, nếu có thai thì sẽ truyền bệnh cho thai nhi và gây bất thường cho thai nhi.

Theo SKĐS
MỚI - NÓNG