Ấn Độ thăm dò sao Hỏa với giá siêu rẻ

Ấn Độ thăm dò sao Hỏa với giá siêu rẻ
TP - Ấn Độ hôm qua lần đầu tiên phóng tàu thăm dò lên sao Hỏa, với chi phí chỉ bằng 1/34 so với Mỹ.

> Tìm thấy dấu vết của siêu lửa trên sao Hỏa
> Sao Hỏa có sự sống?

Các nhân viên an ninh Ấn Độ gác bệ phóng tên lửa mang theo tàu thăm dò sao Hỏa hôm 30/10. Ảnh: AP
Các nhân viên an ninh Ấn Độ gác bệ phóng tên lửa mang theo tàu thăm dò sao Hỏa hôm 30/10. Ảnh: AP.

Chiều 15/11, Mangalyaan (nghĩa là Tàu quỹ đạo sao Hỏa trong tiếng Ấn Độ) mang theo thiết bị kiểm tra khí quyển hành tinh Đỏ được phóng lên bằng tên lửa PSLV-C25 từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan ở bang Andhra Pradesh. Dự án này của Ấn Độ tốn 73 triệu USD, trong khi tàu thăm dò Curiosity mà Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phóng lên sao Hỏa năm 2011 ngốn hết 2,5 tỷ USD.

Có thể vượt Trung Quốc, Nhật Bản

Các nhà khoa học ở Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) tính toán, Mangalyaan sẽ tới hành tinh Đỏ vào tháng 9/2014. Chương trình vũ trụ nửa thế kỷ qua của Ấn Độ được coi là niềm tự hào dân tộc, đặc biệt trong những năm gần đây khi kế hoạch của nước này không chỉ dừng lại ở công nghệ vệ tinh mà còn tiến tới khám phá Mặt trăng và đến các hành tinh. Tàu tự hành của Ấn Độ được đưa lên Mặt trăng năm 2008 (mang theo một thiết bị do Mỹ tài trợ) đã phát hiện nước trong những tảng đá trên Mặt trăng.

Tuy nhiên, chương trình không gian của Ấn Độ cũng vấp phải một số chỉ trích, rằng số tiền 73 triệu USD có thể giúp hàng triệu người nghèo đói, suy dinh dưỡng, hoặc giúp tập trung phát triển công nghệ vệ tinh thế hệ mới để cạnh tranh trong ngành thương mại béo bở.

“Ấn Độ có những tham vọng của mình. Chúng ta nghèo không có nghĩa là chúng ta không nên tham vọng. Đó chẳng phải là cách chúng ta đang nghĩ về bản thân, đúng không?”, ông Bharath Gopalaswamy, Phó giám đốc Trung tâm Nam Á tại Hội đồng Đại Tây Dương, nói.

Các nhà lãnh đạo Ấn Độ tin rằng, Mangalyaan sẽ chứng minh giá trị của công nghệ và thiết bị nội địa nhằm truyền cảm hứng cho các nhà khoa học trong nước và mở ra biên giới mới trong việc khám phá vũ trụ với chi phí thấp.

Họ tin rằng, nếu sứ mệnh lần này thành công sẽ tạo ra ưu thế vượt trội của đất nước trước các đối thủ khu vực là Trung Quốc và Nhật Bản, khi những sứ mệnh thăm dò sao Hỏa gần đây của họ đã thất bại.

Rủi ro lớn

Ấn Độ cho rằng, chương trình nghiên cứu không gian cũng tạo việc làm kỹ thuật cao cho các nhà khoa học và kỹ sư, đồng thời mang lại nhiều ứng dụng thực tế để giải quyết những vấn đề trên Trái đất.

Ngành nghiên cứu không gian trong vài thập kỷ qua đã giúp Ấn Độ phát triển vệ tinh, công nghệ liên lạc và viễn thám phục vụ đời sống, như dự đoán khu vực có thể đánh bắt được nhiều cá hoặc dự báo bão lớn.

Ấn Độ đang gia nhập cuộc đua khám phá vũ trụ ngày càng cạnh tranh. Nhiều quốc gia và tổ chức đã đặt mục tiêu đưa tàu vũ trụ có người lái lên sao Hỏa trong khoảng 2 thập kỷ tới.

Giám đốc NASA Charles Bolden nói sứ mệnh phóng tàu sao Hỏa có người lái vào năm 2030 là ưu tiêu của cơ quan này và “toàn bộ chương trình thăm dò đều nhằm phục vụ mục tiêu đó”.

NASA sẽ phóng robot thăm dò sao Hỏa mang tên Maven vào ngày 18/11. Tuy nhiên, Mỹ đã đánh mất ưu thế lịch sử của mình trong lĩnh vực thăm dò sao Hỏa vì thiếu ngân sách và các quốc gia khác đang quyết liệt chạy đua. Các nhà khoa học cho rằng, tàu thăm dò của Ấn Độ sẽ giúp tiếp tục làm sáng tỏ bề mặt sao Hỏa vốn còn nhiều bí ẩn.

Mangalyaan mang theo bộ cảm biến để kiểm tra sự hiện diện của metan, loại khí sinh ra bởi vi trùng sống. Nếu loại khí này được tìm thấy, nó sẽ giúp trả lời câu hỏi ám ảnh các nhà khoa học nhiều năm qua, rằng sao Hỏa có sự sống hay không. Dù các nhà khoa học NASA nói rằng, họ đã tìm thấy metan trong vài thí nghiệm trước đây, nhưng tàu thăm dò Curiosity vẫn chưa tìm thấy loại khí này.

Tuy nhiên, Giám đốc Khoa học Hành tinh của NASA Jim Green cho rằng, Mangalyaan đối mặt nhiều rủi ro, vì chỉ có 16 trong số 40 tàu thăm dò được các nước phóng lên sao Hỏa đi đến đích.

Cho tới nay, mới có Liên Xô (cũ), châu Âu và NASA phóng thành công tàu thăm dò sao Hỏa. Nhật Bản nỗ lực đưa Nozomi lên sao Hỏa vào năm 1998, nhưng con tàu này không thể đến đích. Tàu thăm dò của Trung Quốc cũng mất tích cùng tàu vũ trụ Phobos-Grunt của Nga vào tháng 1/2012. Robot thăm dò Beagle 2 của Anh tách khỏi tàu quỹ đạo sao Hỏa Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu vào năm 2003, nhưng đến nay vẫn chưa có tin tức gì.

TRÚC QUỲNH - ĐẠI PHƯỢNG
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.