Trong khi cả thế giới chuẩn bị đón năm mới, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ lại phải giải quyết vấn đề chẳng giống ai - đó là làm thế nào với 23 tỷ tờ tiền nay đã thành vô giá trị. Ngày 8/11, Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi đột ngột tuyên bố khai tử loại tiền 500 và 1.000 rupee. Người dân sẽ có thời hạn đến ngày 30/12 để đổi lấy tiền mới.
Đây là hai loại tiền phổ biến nhất Ấn Độ, chiếm 86% tổng số tiền giấy đang lưu thông. Được mô tả là sự thay đổi tiền tệ mạnh mẽ nhất thế giới trong nhiều thập kỷ, động thái của Ấn Độ nhận được cả lời tán dương vì sự kiên quyết, lẫn sự chỉ trích về cách thực hiện. Hằng năm, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ chi hơn 400 triệu USD cho việc sản xuất tiền. Con số này bằng khoảng 1,5% ngành công nghiệp sản xuất tiền toàn cầu.
Phần lớn những tờ tiền bỏ đi này sẽ được phá hủy và đổ vào các bãi rác như quy trình thông thường với tiền giấy bị bẩn hoặc rách, một quan chức cấp cao ngân hàng trung ương Ấn Độ cho biết. Nhiều tờ khác sẽ được chuyển thành than bánh để dùng trong công nghiệp, trong khi số khác sẽ thành chặn giấy và đồ trang trí.
Khoảng 98% giao dịch tiêu dùng tại Ấn Độ là sử dụng tiền mặt, và tần suất sử dụng cao khiến cơ quan tiền tệ nước này phải rút về tới 75% tiền lưu thông mỗi năm, nhiều hơn tổng số tiền in mới của tất cả nước khác (trừ Trung Quốc) cộng lại.
Dù vậy, một số tờ tiền vẫn có thể tồn tại qua năm nay. Quyết định cấm tiền của ông Modi đã khiến tờ tiền này có giá trị với nhiều người, đặc biệt là những tờ có chữ ký của cựu Thống đốc Raghuram Rajan. Chúng đang được rao bán với gấp đôi mệnh giá trên các website đấu giá.
Một trong những mục đích của Chính phủ với động thái này là giảm tham nhũng và né thuế, có thông tin cho biết nhiều người đã xé và đốt tiền đi để tránh bị điều tra. Chính phủ ước tính một phần ba trong số 15.000 tỷ rupee bị thu hồi sẽ không được đưa vào ngân hàng.
Cựu Bộ trưởng Tài chính - Palaniappan Chidambaram cho biết chi phí thay thế tiền cũ có thể lên tới 200 tỷ rupee. Người kế nhiệm ông - Arun Jaitley thì chỉ nhận xét những con số này là "quá phóng đại".