Một máy bay không người lái MQ-9 Reaper tại sân bay Kandahar, Afghanistan. (Ảnh: Reuters) |
Biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai quốc gia hạt nhân láng giềng gia tăng. New Delhi đang đẩy mạnh nỗ lực hiện đại hóa quân sự, tập trung vào nhiều loại thiết bị không người lái.
Trong khi ngành công nghiệp non trẻ nỗ lực đáp ứng nhu cầu của quân đội, những người trong ngành cho biết giới lãnh đạo an ninh của Ấn Độ lo ngại những bộ phận do Trung Quốc sản xuất, như thiết bị liên lạc, camera, truyền dẫn vô tuyến và phần mềm vận hành, có thể hỗ trợ hoạt động do thám âm thầm của nước ngoài.
Từ năm 2020, Ấn Độ chủ trương hạn chế nhập khẩu các thiết bị và linh kiện cho máy bay không người lái, và hoạt động này đang được thực hiện thông qua đấu thầu quân sự.
Tại hai cuộc họp vào tháng 2 và tháng 3 năm nay để thảo luận về đấu thầu máy bay không người lái, quan chức quân đội Ấn Độ nói với các nhà thầu tiềm năng rằng thiết bị hoặc linh kiện từ "những quốc gia có chung biên giới đất liền với Ấn Độ sẽ không được chấp nhận vì lý do an ninh”.
Một tài liệu đấu thầu cho rằng những linh thiết bị và linh kiện như vậy có "lỗ hổng bảo mật", nguy cơ gây rò rỉ thông tin quân sự nhạy cảm. Vì vậy, Chính phủ Ấn Độ yêu cầu các nhà cung cấp khai báo nguồn gốc thiết bị.
Một quan chức quốc phòng cấp cao nói với Reuters rằng việc dùng cụm từ “các nước láng giềng” là ngụ ý nói đến Trung Quốc, đồng thời cho biết ngành công nghiệp Ấn Độ đã trở nên phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dù có nhiều lo ngại về nguy cơ bị tấn công mạng.
Bắc Kinh phủ nhận liên quan đến các cuộc tấn công mạng. Tuần trước, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo quy định hạn chế xuất khẩu một số máy bay không người lái và thiết bị liên quan.
Năm 2018, Quốc hội Mỹ cấm Lầu Năm Góc mua hoặc sử dụng máy bay không người lái cùng các bộ phận và linh kiện liên quan của Trung Quốc.