Binh sĩ Nga lên đường đến Kazakhstan. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga |
Phát biểu trước Quốc hội hôm nay, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev thông báo tình hình ở tất cả các khu vực của Kazakhstan hiện đã ổn định.
“Lực lượng gìn giữ hoà bình của CSTO đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Trong vòng 2 ngày tới, việc rút quân theo từng giai đoạn của lực lượng CSTO sẽ bắt đầu. Quá trình này sẽ không kéo dài quá 10 ngày”, ông Tokayev nói.
Binh sĩ thuộc liên quân CSTO bảo vệ một cơ sở cung cấp nhiên liệu ở Kazakhstan. Ảnh: Tass |
Làn sóng biểu tình ở Kazakhstan bùng phát ngày 2/1 liên quan đến chính sách nhiên liệu. Ban đầu, các cuộc biểu tình diễn ra trong hoà bình. Nhưng sau đó, đám đông trở nên quá khích và tấn công nhiều cơ sở quan trọng.
Ngày 5/1, Tổng thống Tokayev đề nghị Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) đưa lực lượng gìn giữ hoà bình đến nước này để lập lại trật tự.
Đề nghị của ông Tokayev lập tức được đáp ứng. Tổng cộng khoảng 2.500 binh sĩ từ các nước thành viên CSTO là Nga, Belarus, Armenia, Tajikistan và Kyrgyzstan đã được cử đến Kazakhstan để bảo vệ các cơ sở chính phủ và cơ sở chiến lược. Lực lượng này không tham gia đối đầu trực tiếp với người biểu tình.
Binh sĩ Nga là nhóm đầu tiên đặt chân đến Kazakhstan hôm 6/1, mang theo nhiều khí tài. Ngày 7/1, Belarus triển khai lực lượng đặc nhiệm đến Kazakhstan thông qua Nga. Armenia, Kyrgyzstan và Tajikistan cũng đã cử khoảng 100-200 binh sĩ mỗi nước đến Kazakhstan, đồng thời triển khai một số khí tài quân sự.
Phát biểu ngày 10/1 trong phiên họp trực tuyến của CSTO, Tổng thống Kazakhstan Tokayev cho biết quốc gia này vừa trải qua một âm mưu đảo chính. "Dưới chiêu bài của các cuộc biểu tình tự phát, một làn sóng bất ổn đã nổ ra. Rõ ràng mục tiêu chính là phá hoại trật tự hiến pháp và giành chính quyền. Chúng ta đang nói về một âm mưu đảo chính", ông Tokayev nói.
Cũng trong cuộc họp này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sự kiện ở Kazakhstan không phải là nỗ lực đầu tiên và cũng không phải là nỗ lực cuối cùng nhằm can thiệp vào công việc nội bộ các nước thuộc CSTO.
Theo ông Putin, việc triển khai liên quân CSTO đã giúp ngăn chặn các nhóm vũ trang phá hoại ở Kazakhstan. Tổng thống Nga khẳng định liên quân CSTO sẽ chỉ ở lại Kazakhstan trong một khoảng thời gian nhất định, đồng thời nhấn mạnh sự can thiệp của CSTO là tín hiệu cho thấy khối quân sự này sẽ không chấp nhận bất cứ hành vi phá hoại nào nhằm vào các quốc gia trong khu vực.