Những năm gần đây, ẩm thực Việt trở nên nổi như cồn trên thế giới với những món ăn được xếp hạng đặc sắc nhất thế giới như bánh mỳ kẹp, bún chả, phở, món cuốn… Hay gần đây nhất, cà phê trứng của Việt Nam được xếp vào top đầu những ly cà phê ngon nhất thế giới. Chuyên gia Giáo sư Philip Kotler – chuyên gia thương hiệu hàng đầu thế giới khi nếm thử các món ăn Việt Nam đã từng đưa ra lời khuyên: “Hãy biến Việt Nam thành bếp ăn của thế giới”.
Chinh phục bằng gu ẩm thực tinh tế
Thiên nhiên ưu đãi với thực phẩm phong phú, tươi ngon, cùng với cá tính sáng tạo, người Việt từ bao đời nay đã tạo nên một nền ẩm thực vô cùng tinh tế, lâu đời và thấm đẫm bản sắc văn hóa Việt.
Chỉ cần nhìn vào cách người Việt làm và thưởng thức trà sen hay trà nhài là có thể thấy sự cầu kỳ, tỉ mỉ của người Việt. Từng búp trà ngon nhất được tẩm ướp qua rất nhiều công đoạn cầu kỳ với những loài hoa quốc hồn quốc túy của người Việt, rồi lại chậm rãi mà thưởng thức kết tinh tinh túy của đất trời thiên nhiên trong từng búp trà. Người thưởng thức phải nâng niu chén trà, áp hai bàn tay vào chén để cảm nhận hơi ấm tỏa ra, sau đó chậm rãi đưa lên mũi ngửi, cảm nhận hương của chén trà rồi mới thong thả nhấp từng ngụm một để lắng nghe vị chát nơi đầu lưỡi và ngọt dần nơi cổ họng.
Gầy đây, tại một cuộc thi chè quốc tế tại Canada, một sản phẩm chè đại diện cho nghệ thuật thưởng trà truyền thống của người Việt Nam đã khiến ban giám khảo cuộc thi – những chuyên gia sành trà nhất trên thế giới phải ngỡ ngàng: “Sự kết hợp không thể hài hoà và tinh tế hơn trong hương vị”, một chuyên gia nhận xét sau khi thưởng thức chè nhài Cozy – sản phẩm đạt giải vàng trong cuộc thi chè quốc tế Bắc Mỹ. Câu chuyện của sản phẩm chè này đã góp thêm một điểm sáng trong bức tranh ẩm thực Việt Nam, củng cố thêm niềm tin vào cơ hội đưa thương hiệu ẩm thực Việt Nam lên một tầm cao mới, và mạnh dạn hơn trong cuộc chơi toàn cầu.
Thực tế đã cho thấy, khác biệt trong sản phẩm, công nghệ không phải là lợi thế cạnh tranh tuyệt đối và có thể thay thế bằng những sản phẩm, công nghệ mới ưu việt hơn, nhưng khác biệt về mặt văn hoá, vốn đã được tích tụ và kế thừa hàng nghìn năm là thứ bất biến và không thể sao chép. Và những tinh tuý của ẩm thực của Việt cũng xếp vào nhóm khác biệt này.
Đến nghệ thuật chế biến đạt chuẩn quốc tế
Để chinh phục được thị trường quốc tế, những đặc sắc trong hương vị chỉ mới là điều kiện cần, các điều kiện đủ chính là các tiêu chuẩn ngặt nghèo về độ sạch, tính tiện lợi và thương hiệu, hình ảnh sản phẩm phải đủ sức thu hút. Đó cũng là con đường mà sản phẩm trà nhài Cozy đã trải qua để chiến thắng trong cuộc so găng giữa vô vàn các sản phẩm chè đến từ khắp nơi trên thế giới.
Là một trong những nhãn hiệu trà thuần Việt nổi tiếng nhất hiện nay, đại diện Cozy đã chia sẻ cách chế biến rất cầu kỳ của trà nhài Cozy. Trà Nhài Cozy là sự kết hợp hoàn hảo giữa trà xanh nõn Kim Tuyên và hoa nhài. Chè được thu hái vào buổi sáng khi búp chè còn đang uống sương, nhờ thế mà búp chè có hương thơm dịu, vị ngon, ngọt sâu hơn. Búp nõn khi pha sẽ có màu xanh vàng và rất trong. Trà xanh nõn là chỉ lấy búp nõn trên cùng của búp trà, phần nõn có tuyết – nơi hội tụ mọi tinh túy của đất trời và chứa nhiều dưỡng chất, có nội chất tốt nhất kết hợp với hoa nhài được trồng tại Phú Thọ, chăm bón theo đúng quy trình, được kiểm soát chất lượng hoa chặt chẽ. Hoa phải được hái nụ trong khoảng từ 16h đến 19h trong ngày, chờ khi hoa nở rộ thơm nhất lúc 21h thì mới đem ướp với chè khô.
Hoa nhài được thu hái vào thời điểm đượm hương nhất, tạo ra những tách trà có hương vị hoàn hảo
Để đảm bảo chất lượng, mọi quy trình ướp hoa vẫn theo phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, để đáp ứng quy mô sản xuất lớn. Cozy đã áp dụng máy móc hiện đại để tăng năng suất. Nhà máy sử dụng máy tách cẫng, tách màu trong quá trình sàng để loại bỏ những cẫng già, lấy những búp nõn chè có tuyết ra để ướp hoa. Quy trình đóng gói khép kín và hiện đại nhất thế giới cũng giúp cho trà nhài Cozy giữ nguyên được chất lượng cao nhất.
Bên cạnh đó, để đảm bảo được tiêu chí sạch, các vùng trồng trên những tỉnh thành nổi tiếng của Việt Nam của Cozy đều được trồng trọt, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap và được doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ.
Phát biểu tại một cuộc tọa đàm có sự tham dự của Chủ tịch Hiệp hội chè Bắc Mỹ, Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh tuy Việt Nam trở thành nước sản xuất chè lớn thứ 7 và nước xuất khẩu chè lớn thứ 5 trên thế giới nhưng đa phần chè xuất khẩu Việt Nam vẫn chủ yếu xuất sang thị trường dễ tính, chưa nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường yêu cầu chất lượng cao như EU, Mỹ. Trong bối cảnh đó, giải thưởng mà sản phẩm chè hương nhài Cozy đạt được chính là niềm tự hào, khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường chè cao cấp quốc tế, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm chè Việt và nền ẩm thực Việt Nam.
Ông Peter Gorgi, chủ tịch Hiệp hội chè Mỹ cũng khẳng định: “Thời cơ đang rất thuận lợi cho chè Việt Nam. Lịch sử trồng chè lâu đời, với những đồi chè và cây chè cổ thụ đã tồn tại qua nhiều thế hệ là những điều mà người tiêu dùng Mỹ rất hứng thú, đặc biệt là đối với phân khúc chè đặc sản.” Đại diện Cozy cho biết, hiện sản phẩm trà hương nhài Cozy đã thành công trong việc chinh phục khẩu vị của người tiêu dùng Việt, họ đang chuẩn bị những bước đi mạnh mẽ hơn trong việc xâm nhập vào thị trường thế giới, với sự hỗ trợ của Cục Xúc tiến Thương mại, bắt đầu từ hai thị trường đầu tiên là Canada và Mỹ.
Câu chuyện của trà nhài Việt Nam cho thấy, việc đầu tư và phát triển đúng hướng vào công nghệ sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, tìm tòi sáng tạo những cái mới dựa trên truyền thống ẩm thực lâu đời và phát triển thương hiệu riêng chính là những giải pháp quan trọng giúp cho các doanh nghiệp thuần Việt từng bước hội nhập tại sân chơi toàn cầu.