>> Kỳ 1:Tan nát gia đình, sự nghiệp
Chồng chất nỗi đau
Những ngày tháng bị tạm giam, Lê Chí Dũng nghĩ nhiều hơn về cuộc sống, về nhân tình thế thái, về tình yêu và gia đình. Sớm tự lập, Dũng có cái nhìn bình thản hơn trước những biến động cuộc sống nhưng vẫn tiếc vì hôm gây án không kiểm soát tinh thần, dù Dũng đã có một thời gian khá lâu quan sát 2 kẻ ngoại tình.
![]() |
Lê Chí Dũng trong ngày bị bắt. |
Từ ngày vào trại tạm giam, Dũng hoàn toàn không có thông tin bên ngoài cho tới khi anh nhận được kết luận điều tra. Thì ra, ngay sau ngày Thư chết, Thủy như kẻ mất hồn, cứ lảm nhảm gọi tên người tình.
Bỏ lại 2 đứa con thơ, trong đó đứa bé mới 4 tháng tuổi, Thủy tìm lên cầu sông Thương, thả mình xuống dòng nước ngầu đỏ. Ba ngày sau người ta mới tìm được xác cô. Lại thêm một nỗi đau như xát muối vào vết thương lòng đang rỉ máu của người thanh niên chưa đầy 30 tuổi đang ở trong trại tạm giam chờ ngày hầu tòa.
Thủy chết, với Dũng là điều hoàn toàn không mong muốn. Nếu có thể được làm lại từ đầu, Dũng vẫn muốn Thủy như ngày xưa, biết quan tâm tới gia đình và nhất là các con.
Vốn thiếu thốn tình cảm từ nhỏ, Dũng hiểu những mất mát không gì bù đắp được khi những đứa con không có bố mẹ ở bên. Nhất là với bé Lê Ngọc Linh, con thứ của Dũng và Thủy lại mang trong mình căn bệnh u máu quái ác ngay từ lúc lọt lòng.
Gia đình người giúp việc tốt bụng
Bé Linh được chị giúp việc Phùng Thị Hồng đưa về nuôi tại thôn Quyết Tâm (xã Yên Sơn, Lục Nam, Bắc Giang), còn anh trai của bé được ông bà ngoại đón.
Nhà chị Hồng rất nghèo, chủ yếu trông vào mấy sào ruộng, chị và gia đình phải vật lộn hằng ngày để có tiền mua sữa và thức ăn cho cháu. Song căn bệnh u máu của bé Linh ngày càng nặng. Hai bên đùi, lưng và bộ phận sinh dục của cháu cứ ngày một sưng đỏ ra.
Từng mảng thịt sần sùi, nham nhở, tím ngắt dính chặt lấy thân thể nhỏ bé của cháu khiến cháu luôn ngứa ngáy, bỏng rát. Khi ngủ cháu chỉ có thể nằm sấp hoặc ngửa, nếu nằm nghiêng sẽ chạm vào vết thương đau điếng. Mỗi lần đi lại, Linh phải điều khiển hai chân một cách khó nhọc.
Bây giờ, đã gần ba tuổi rưỡi, Linh vẫn chưa biết nói ngoài vài từ ngọng nghịu “bà, bà...”. Lần hội chẩn mới đây cho thấy khối u máu của cháu đã lan gần đến xương nhưng không thể phẫu thuật vì cháu còn quá nhỏ.
![]() |
Những vết thương như thế này dày đặc trên cơ thể bé Linh. |
“Nhưng cháu vẫn biết cả đấy. Cháu có thể biết mang cái nọ, cái kia theo sự chỉ bảo của người lớn. Cháu cũng rất ngoan, chỉ thỉnh thoảng khóc do trở trời, ảnh hưởng đến bệnh của cháu thôi” - Bà Vũ Thị Tám, mẹ chị Hồng, cho biết.
Hơn 2 năm qua, gia đình chị Hồng nhiều lần đưa Linh lên Hà Nội, gõ cửa các bệnh viện. Hết Bệnh viện Nhi T.Ư, Viện Quân y 108 đến Bệnh viện Xanh-Pôn, mỗi lần đi tốn kém không nhỏ. Bà Tám kể, lần gần đây nhất, cháu nằm viện mất 9 tháng, được bệnh viện miễn phí cho 2 tháng, còn 7 tháng gia đình phải chi trả tiền thuốc men, mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng.
Cũng may, nhà trường nơi trước đây thầy giáo Dũng dạy đã nhiều lần quyên góp tiền ủng hộ. Nhiều cơ quan báo chí cũng đăng tin, bài nên có khá nhiều người ủng hộ.
Nhưng, mặc cho những nỗ lực ấy, căn bệnh quái ác của Linh vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. “Đã gần một tháng nay, chúng tôi chờ kết luận của bệnh viện về tình hình của cháu nhưng vẫn chưa thấy có kết quả gì. Nhưng nhiều bác sỹ bảo, bệnh của cháu sẽ khó có khả năng chữa được” - Bà Tám buồn bã.
Phụ tử tình thâm
“Nếu không có những người như gia đình bà Tám, các thầy, cô giáo trong trường THPT Phương Sơn cùng bao nhiêu người mà mình không quen biết đã giúp đỡ một cách vô tư, không biết bé Ngọc Linh sẽ thế nào?” - Dũng tâm sự.
![]() |
Dũng và bé Linh những ngày đầu hội ngộ. |
Đó cũng là động lực để Dũng luôn chấp hành tốt mọi nội quy trong trại mong sớm có ngày trở về. Dũng được các cán bộ quản lý trại giam tin tưởng giao cho nhiều việc quan trọng như phụ giúp làm công tác thi đua, tiếp dân, giữ gìn an ninh trật tự…
Mỗi tháng, Dũng được gặp Ngọc Linh một lần. Nhìn đứa con trai bé nhỏ, yếu đuối với những vết thương dày đặc trên cơ thể, Dũng tự nhủ cần phải cố gắng hơn nữa để sớm được trở lại cuộc sống bình thường, chăm sóc cho con, trả ơn những người đã giúp đỡ mình trong cơn hoạn nạn.
Với sự nỗ lực của bản thân, sau gần 3 năm cải tạo, Dũng được đặc xá trong dịp 2-9 vừa qua. Giữa cơn mưa chiều như trút, rời cổng trại giam Dũng băng đường về xã Yên Sơn để mong sớm nhìn thấy con. Bạn bè, đồng nghiệp của Dũng và gia đình bà Tám cũng vui lây cái vui của con người đã phải chịu quá nhiều bất hạnh.
Anh Lương Xuân Kiên, đồng nghiệp của Dũng tại Trường THPT Phương Sơn, cho biết, Dũng có quan hệ tốt với các đồng nghiệp trong trường và rất mong Dũng được quay trở lại trường làm việc. |
Chúng tôi gặp Dũng đúng ngày cả nước tưng bừng hội khai trường 5-9. Trong căn nhà nhỏ mà gia đình bà Tám dành riêng cho bố con anh, Dũng và con đang chơi với nhau vui vẻ. Anh hào hứng kể về những ngày đầu tiên được trở lại cuộc sống bình thường.
Những nhân vật trong bộ phim cuộc đời anh hiện lên một cách rõ nét: Hồng đã lấy chồng nhưng tháng nào cũng về thăm bé Linh; Ngân vợ Thư cũng đã xây dựng lại cuộc đời với người đàn ông khác cách đây khoảng một năm. Anh cũng vừa về quê vợ thăm ông bà ngoại cháu Linh. “Không ai muốn nhắc lại câu chuyện đau lòng đã qua bởi họ đều là những người hiểu biết” – Dũng nói.
Hỏi về dự định tương lai, Dũng trầm ngâm: “Giáo viên là nghề đặc biệt. Mình không thể trở lại bục giảng được nữa dù vẫn còn rất yêu nghề. Trước mắt mình sẽ lo ổn định gia đình, đón cháu lớn về để bố con sum vầy và quan trọng nhất là lo việc chữa trị tiếp theo cho bé Ngọc Linh như thế nào. Đời mình đã nhiều khổ đau, mình không muốn con mình phải tiếp tục đau khổ”.
Đưa máy ảnh lên để ghi hình ảnh hai bố con rạng rỡ trong những ngày đầu trở về, tôi nhận thấy sự già dặn, trưởng thành hơn trong đôi mắt của người thanh niên 31 tuổi ấy. Tôi tin, dù cuộc sống sắp tới có khó khăn đến đâu, Dũng cũng sẽ vượt qua.