Mạnh tay với tín dụng đen
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Cần Thơ, trong 3 năm gần đây, đơn vị đã điều tra xử lý 15 vụ, khởi tố 38 đối tượng liên quan hoạt động tín dụng đen. Riêng năm 2022, đã khởi tố 2 vụ án, với 10 bị can về hành vi “Huỷ hoại tài sản” liên quan tín dụng đen.
Hai đối tượng Võ Thanh Tùng (trái) và Nguyễn Hữu Thanh An có hành vi cho vay lãi nặng bị Công an tỉnh An Giang bắt giữ vào ngày 4/6/2021 |
Tại tỉnh An Giang, trong 6 tháng đầu năm 2022, Công an tỉnh An Giang cũng đã điều tra xử lý 18 vụ, liên quan 18 đối tượng. Trong đó, có 1 vụ, 1 đối tượng bị xử lý hình sự về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; xử lý vi phạm hành chính 3 vụ, 4 đối tượng với số tiền 60 triệu đồng; 2 vụ, 2 đối tượng được cho cam kết không tái phạm và 12 vụ, 11 đối tượng liên quan đang được tiếp tục điều tra xác minh.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện Công an TP Cần Thơ cho biết, từ khi mạng xã hội phát triển thì các đối tượng cũng lợi dụng để hoạt động tín dụng đen tinh vi hơn. Một người có thể vay nhiều app, đến khi không có khả năng trả thì họ mới cầu cứu cơ quan công an.
Công an thu giữ của 2 đối tượng Tùng và An nhiều hung khí nguy hiểm |
“Vừa qua, Công an TP Cần Thơ thụ lý một số vụ có liên quan đến cán bộ trong cơ quan nhà nước. Chúng tôi tiến hành xác minh các app, các công ty tài chính cho vay, yêu cầu các công ty này đòi nợ đúng theo quy định pháp luật, tránh tình trạng quấy rối qua điện thoại.
Tuy nhiên, để xử lý hành vi đòi nợ là rất khó. Bởi hiện nay, các đối tượng đều sử dụng các thuê bao “rác” và dùng các số này đăng ký các nick Zalo, Facebook,...ảo, rồi chúng đưa các thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm uy tín người vay cũng như những người chúng cho là có quan hệ với người vay. Đặc biệt là khi vay qua app, người vay không biết đối tượng là ai.
Thêm nữa là công tác quản lý nhà nước về thuê bao chính chủ chưa hoàn chỉnh nên rất khó khăn trong việc xác định được chủ thuê bao và xác định được đối tượng ”, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP. Cần Thơ nêu.
Vị này cho biết, việc xử phạt hành chính về hành vi cho vay lãi nặng còn nhiều vướng mắc. Chẳng hạn, trường hợp đối tượng cho vay lãi nặng nhưng số tiền thu lợi bất chính chưa đủ khung theo quy định thì cũng không thể xử lý.
Trong khi, các đối tượng cho vay hiện nay không có giấy tờ biên nhận, mà chúng chuyển sang lưu bằng thiết bị điện tử thông minh nên gây rất nhiều khó khăn trong việc thu thập tài liệu của cơ quan công an.
Thêm nữa, dù tấn công rất mạnh, “khoanh vùng” được các đối tượng nhưng để xử lý còn rất hạn chế, vì không đủ chứng cứ và hành vi phạm tội của chúng không rõ ràng như các loại tội phạm khác.
Nói về thực trạng hiện nay, Thiếu tá Trần Văn Thuỷ - Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Cần Thơ phân tích: “Có những người vào đường cùng, họ vay tín dụng đen, vay nhiều chỗ nhưng mới trả được một nửa đã đi tố cáo.
Tuy nhiên, chúng tôi không thể nào xử lý hành vi cho vay lãi nặng được vì tiền gốc bên cho vay chưa thu về hết. Có những người vay rất nhiều chỗ, mỗi chỗ vay 20 - 30 triệu đồng, chưa trả hết lại tiếp tục vay chỗ khác, rồi vay chỗ này, đắp chỗ kia đến khi “vỡ nợ” thì bỏ trốn…”.
Còn theo Thượng tá Trần Văn Thanh - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh An Giang, kể từ khi xuất hiện hình thức vay qua app thì việc xử lý các đối tượng vi phạm trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp khó khăn. Công an không thể xác minh tận gốc được, bởi các nhà mạng, nhà cái đều ở Campuchia.
“Cụ thể là các casino phía Campuchia giáp biên giới An Giang được những đối tượng người Trung Quốc thuê để hoạt động. Vừa rồi, vụ việc nhiều người dân Việt Nam trốn về là do bị bán qua đó để lên máy thực hiện việc lừa đảo thông qua các app.
Tuy nhiên, chúng tôi không thể sang đó để xác minh, kể cả công an Campuchia cũng không thể thâm nhập vào địa bàn đó được nên rất khó ngăn chặn. Thêm nữa, khi người vay đã “cắn câu” thì chỉ biết đóng lãi thôi, chứ muốn trả tiền gốc cũng không được; vì không biết đối tượng cho vay là ai, ở đâu. Nếu người vay chuyển tiền gốc qua app là mất luôn.
Do đó, cho vay qua app chúng lấy lãi suất thông qua chuyển khoản và trả không bao giờ hết số tiền gốc khiến người dân rất bức xúc”, Thượng tá Thanh thông tin.
Nâng cao nhận thức người dân
Nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tội liên quan hoạt động tín dụng đen, ngành chức năng các tỉnh, thành ĐBSCL cũng đề ra nhiều biện pháp tuyên truyền, để người dân ý thức được tác hại khi vướng vào loại hình cho vay lãi nặng này.
Cụ thể, vào đầu tháng 10/2022, Công an tỉnh An Giang đã phối hợp với Sở Tư pháp và Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức các buổi tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này. Đồng thời, khuyến khích người dân phát hiện đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng trên địa bàn thì báo ngay với lực lượng công an gần nhất. Bởi, khu vực ở nông thôn thường bị dễ sa vào tín dụng đen do người dân thiếu hiểu biết, nhận thức pháp luật còn hạn chế, chưa tiếp cận được với ngân hàng chính sách, bản thân họ ít liên hệ và ngại liên hệ với các cơ quan nhà nước vì không hiểu thủ tục vay.
Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân cần vay tiền nên liên hệ với địa phương để được hướng dẫn đến ngân hàng chính sách xã hội vay với mức lãi suất thấp.
Xử lý 2 đối tượng cho vay lãi suất 360%/năm
Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Trà Vinh cho biết, đang củng cố hồ sơ để xử lý đối với Phạm Công Thành (21 tuổi) và Lê Tuấn Anh (23 tuổi) cùng ngụ xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, về hành vi cho vay lãi nặng
Trước đó, chiều 15/11, lực lượng Công an phát hiện Phạm Công Thành và Lê Tuấn Anh có biểu hiện nghi vấn hoạt động cho vay lãi suất cao trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, sau đó mời Thành và Anh về cơ quan Công an làm việc.
Theo thông tin ban đầu, Thành đến tạm trú tại ấp Long Bình, phường 4, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh vào khoảng tháng 2/2022, với mục đích hoạt động cho vay nặng lãi. Đến tháng 3/2022, Thành liên hệ và rủ Anh vào làm cùng.
Thành và Anh khai nhận đã cho 68 khách hàng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh vay tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, tổng số tiền cho vay là 366 triệu đồng. Hằng tháng các đối tượng thu lãi 30%, tương ứng với lãi suất 360%/năm.
CẢNH KỲ