|
Theo chuyên gia, các cuộc xung đột trên thế giới vừa là đòn bẩy vừa là nơi thử nghiệm cho chiến tranh AI, đồng thời làm nổi bật tình trạng thiếu tổ chức của lĩnh vực mới nổi này. Việc AI mở rộng quy mô trong xung đột cho thấy nhu cầu của quân đội các quốc gia dành cho công nghệ này rất lớn, mặc dù nó có thể khó lường và gây nghi vấn về mặt đạo đức. Kết quả là một cuộc chạy đua vũ trang AI trị giá hàng tỷ USD.
Quân đội Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái được trang bị AI gắn thuốc nổ để tấn công các nhà máy lọc dầu của Nga. Các hệ thống AI của Mỹ đã xác định các mục tiêu ở Syria và Yemen để không kích vào đầu năm nay. Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Israel cũng sử dụng một hệ thống AI khác để đánh dấu tới 37.000 người Palestine là chiến binh tình nghi trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến Dải Gaza.
Quan điểm chung giữa các nhà ngoại giao và nhà sản xuất vũ khí là chiến tranh AI và hệ thống vũ khí tự động đã đạt đến “cảnh giới Oppenheimer”, ám chỉ đến phát minh bom nguyên tử của J. Robert Oppenheimer trong Thế chiến II. Cụm từ này, tùy vào người trả lời, có thể là lời tiên đoán về một kỷ nguyên hòa bình mới của bá quyền Mỹ, hoặc là lời cảnh báo đáng sợ về một thế lực hủy diệt khủng khiếp.
Nhìn chung, quân đội Mỹ có hơn 800 dự án liên quan đến AI đang hoạt động và đã yêu cầu 1,8 tỷ USD (45,6 nghìn tỷ VND) tiền tài trợ cho AI chỉ riêng trong năm 2024. Làn sóng đầu tư và phát triển cũng đã kích động các cuộc tranh luận về tương lai của xung đột. Khi tốc độ đổi mới ngày càng tăng, các chuyên gia cảnh báo rằng các hệ thống vũ khí tự động có thể thay đổi mối quan hệ của xã hội với công nghệ và chiến tranh.
“Có nguy cơ là theo thời gian, chúng ta sẽ thấy nhân loại nhường quyền phán đoán cho máy móc. Có thể 15 hoặc 20 năm sau, chúng ta mới nhận ra mình đã vượt qua một cột mốc rất quan trọng”, ông Paul Scharre, phó chủ tịch điều hành và giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu An ninh Mỹ, cho biết.
AI bùng nổ trong chiến tranh
Nhu cầu ngày càng tăng cho công cụ chiến đấu AI đã dẫn đến những dòng tiền lớn đổ vào các công ty, bởi họ hứa hẹn có thể khiến chiến tranh trở nên thông minh hơn, rẻ hơn và nhanh hơn.
Lầu Năm Góc dự định chi 1 tỷ USD (25,3 nghìn tỷ VND) vào năm 2025 cho Sáng kiến Replicator, nhằm phát triển máy bay không người lái sử dụng trí tuệ nhân tạo để tìm kiếm các mối đe dọa. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã dồn hàng trăm triệu USD trong những năm gần đây để tài trợ cho Project Maven, một dự án AI tập trung vào các công nghệ như nhận dạng mục tiêu và giám sát tự động.
Các công ty công nghệ và quốc phòng cũng đã giành được nhiều hợp đồng lớn để giúp phát triển nhiều dự án vũ khí khác nhau. Công ty Anduril đã ký hợp đồng vào đầu năm nay để giúp xây dựng chương trình máy bay chiến đấu không người lái của Lầu Năm Góc. Lầu Năm Góc đã gửi hàng trăm máy bay không người lái của công ty đến Ukraine và tháng trước đã phê duyệt khả năng bán chúng cho Đài Loan.
Palantir, công ty công nghệ và giám sát do tỷ phú Peter Thiel sáng lập, đã tham gia vào các dự án AI, từ rà phá bom mìn Ukraine đến chế tạo “phương tiện AI đầu tiên” của quân đội Hoa Kỳ. Vào tháng 5, Lầu Năm Góc đã trao cho Palantir một hợp đồng trị giá 480 triệu USD (12,7 nghìn tỷ VND) cho công nghệ AI giúp xác định vị trí thù địch. Quân đội đã sử dụng công nghệ của công ty trong ít nhất hai hoạt động quân sự ở Trung Đông.
“Số tiền mà chúng ta thấy đang đổ vào vũ khí tự động và hệ thống nhắm AI là vô cùng đáng lo ngại”, bà Catherine Connolly, giám đốc giám sát và nghiên cứu của tổ chức Stop Killer Robots (Ngừng Robot Sát thủ), cho biết.
Tổ chức Stop Killer Robots biểu tình tại Berlin, Đức năm 2019 |
Đấu tranh để quản lý
Tại một cuộc họp ở Vienna (Áo) vào cuối tháng 4, các tổ chức quốc tế và nhà ngoại giao từ 143 quốc gia đã tập trung tại một hội nghị về việc quản lý AI và vũ khí tự động trong chiến tranh. Sau nhiều năm thiếu vắng một hiệp ước toàn diện của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về các công nghệ này, lời kêu gọi của Bộ trưởng Ngoại giao Áo, ông Alexander Schallenberg, không phải là một lệnh cấm hoàn toàn. “Ít nhất hãy để chúng ta đảm bảo rằng quyết định sâu sắc và có tầm ảnh hưởng nhất - quyết định về sinh mạng - vẫn nằm trong tay con người chứ không phải máy móc”, ông nói với khán giả.
Các tổ chức như Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế và Stop Killer Robots đã kêu gọi cấm các loại hệ thống vũ khí tự động trong hơn một thập kỷ, cũng như yêu cầu một bộ quy tắc chung về cách thức triển khai công nghệ.
Tăng cường kiểm tra quy trình sản xuất và sử dụng vũ khí tự động trong chiến tranh nhận được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế - ngoại trừ các quốc gia chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc chế tạo và sử dụng công nghệ này. Nga, Trung Quốc, Mỹ, Israel, Ấn Độ, Hàn Quốc và Úc đều không đồng ý rằng về việc bổ sung luật quốc tế mới về vũ khí tự động.
Mối lo ngại lớn nhất hiện giờ là một khi những công nghệ này được phát triển và tích hợp vào quân đội, chúng sẽ tồn tại lâu dài và thậm chí còn khó quản lý hơn. “Một khi vũ khí được cài vào các cấu trúc quân sự, việc từ bỏ sẽ trở nên khó khăn hơn vì họ đang phụ thuộc vào chúng. Đó không chỉ là một khoản đầu tư tài chính - các quốc gia đang phụ thuộc vào nó khi họ cân nhắc về quốc phòng”, ông Scharre cho biết.
Sự chú ý xung quanh các hệ thống vũ khí tự động và AI trong năm qua cũng đã mang lại hy vọng cho những người phản đối chiến tranh rằng áp lực thiết lập các hiệp ước quốc tế sẽ tăng lên. Họ chỉ ra những dự án như chiến dịch cấm mìn, trong đó bao gồm giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Mary Wareham, là bằng chứng cho thấy các quốc gia luôn có thời gian để rút lui các vũ khí chiến tranh. “Sẽ không quá muộn. Không bao giờ là quá muộn cả, nhưng tôi không muốn đi đến ngưỡng mà chúng ta phải nói rằng: “Còn bao nhiêu thường dân nữa phải thiệt mạng trước khi chúng ta hành động?’”, bà Wareham cho biết.