Ai cũng muốn về...

TP - Xa quê hương để theo đuổi giấc mơ trau dồi tri thức tại các trường đại học nổi tiếng trên thế giới, nhưng những vấn đề trong nước vẫn luôn được các bạn trẻ theo học trời Tây theo dõi sát sao.

Những góc nhìn về hàng rong 

Nguyễn Khánh Vân - Du học sinh tại trường Đại học Khoa học Ứng dụng Haaga-Helia (Phần Lan) cho biết, khi xa quê hình ảnh bạn nhớ nhất là những gánh hàng rong ở TPHCM. Vân cho rằng, đây là nét văn hóa truyền thống từ lâu của Sài Gòn và nếu nghiêm cấm hoàn toàn sẽ rất đáng tiếc. Vân nói, mình luôn theo dõi các thông tin trong nước và TPHCM, đặc biệt trong thời gian qua UBND quận 1 ra quân chỉnh trang đô thị và dẹp các gánh hàng rong, đây là việc làm góp phần làm cho bộ mặt thành phố bớt nhếch nhác hơn. 

“Tuy nhiên, chúng ta cũng phải cân nhắc rằng, chính những gánh hàng rong cũng làm nên một "bộ mặt khác" về văn hóa cho thành phố. Những người bạn tại trường tôi theo học đều rất tò mò về các món ăn đường phố của Việt Nam, và ở tất cả các nước trên thế giới, ẩm thực đường phố cũng là một cách quảng bá cho du lịch. 

Do đó, thay vị dẹp hàng rong, ngăn cấm những người bán hàng rong thì lãnh đạo thành phố nên có những phương án phù hợp hơn chẳng hạn như tập trung hàng rong vào một khu vực, giống như đường sách thì chúng ta có thể có con đường ẩm thực, như vậy vừa có thể giữ được kế sinh nhai cho người nghèo vừa tạo nên một nét riêng độc đáo cho ẩm thực đường phố Sài Gòn", Vân nói.

Vân đang học tại thành phố Porvoo. Đây là thành phố du lịch nổi tiếng của Phần Lan với những nét cổ kính được lưu giữ qua hàng trăm năm. "Ở Porvoo không có hàng rong, kiến trúc tại đây cũng vô cùng cổ kính, đa số những món ăn truyền thống của Phần Lan bạn muốn thưởng thức đều phải đến các nhà hàng hoặc các khu chợ lớn. Đây có lẽ cũng là lý do khiến tôi luôn nhớ những gánh hàng rong, nhớ không khí nhộn nhịp ở TPHCM", Vân cho biết.

Cùng chung quan điểm với Vân, Nguyễn Tri Nguyên Lộc - Du học sinh tại trường Augustana College (Bang Illinois, Mỹ) cũng bày tỏ nên giữ gìn nét đẹp của ẩm thực đường phố Việt Nam, cụ thể là những gánh hàng rong, tuy nhiên cần chú ý nhiều hơn tới an toàn vệ sinh thực phẩm. Lộc cho biết: "Dạo gần đây tôi có theo dõi những vấn đề liên quan thực phẩm bẩn và vô cùng lo lắng, thứ gì cũng có thể làm giả được, những chất độc đó tích tụ lâu ngày rất dễ dẫn đến ung thư. 

Những thực phẩm bình thường không nói nhưng những thực phẩm rẻ như các gánh hàng rong càng có nguy cơ bị nhiễm bẩn cao hơn. Do đó, thay vì dẹp hẳn, lãnh đạo thành phố nên có phương án quy hoạch cụ thể và chỉ những gánh hàng rong đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm mới có thể tiếp tục buôn bán tại đây".

Ai cũng muốn về... ảnh 1 Những người trẻ đi học ở nước ngoài có góc nhìn rất thú vị về hàng rong. Ảnh: Như Ý.

Niềm tin 

Với du học sinh Việt, việc quay trở về quê hương lập nghiệp luôn là mơ ước bởi ở quê nhà có gia đình, bạn bè và người thân. Trước khi quyết định lập nghiệp ở nước ngoài hay về lại quê hương, những du học sinh này mong muốn và đặt niềm tin vào lãnh đạo mới với các chính sách chỉnh trang đô thị, chấn chỉnh tệ nạn xã hội tạo môi trường lành mạnh để thu hút nhân tài.

Nguyên Lộc sinh ra và lớn lên tại TPHCM, sau khi tốt nghiệp lớp 12, du học tại Mỹ. Lộc trải lòng khi được hỏi với những chính sách thu hút nhân tài sắp tới, liệu du học sinh có sẵn sàng trở về nước để góp phần thay đổi bộ mặt đất nước được tốt đẹp hơn. "Bản thân tôi lúc nào cũng mong được trở về quê hương, được gần gia đình, bạn bè và nhất là có thể mang những gì mình học được giúp ích một phần cho đất nước. 

Tuy nhiên, thực tế cũng chứng minh một bộ phận du học sinh về nước không thể làm việc lâu được trong các cơ quan nhà nước do cơ chế vận hành bộ máy chưa hợp lý, tình trạng tham nhũng và quan liêu chưa giảm. Do đó, một khi lãnh đạo thành phố trọng người tài, có các chính sách phù hợp và dùng người đúng chỗ thì chắc chắn chúng tôi sẽ trở về".

Ai cũng muốn về... ảnh 2 Cướp giật tại TPHCM là nỗi lo của du học sinh.

Xa nhà từ những năm cấp ba, theo học trường Notre Dame High School tại Mỹ rồi tới trường Đại học Khoa học Ứng dụng Haaga-Helia tại Phần Lan, ngót nghét cũng hơn ba năm xa quê, Nguyễn Khánh Vân luôn một lòng hướng về quê hương. 

Vân nói: "Vấn đề trở về nước là điều các du học sinh luôn cân nhắc và suy nghĩ. Ở nước ngoài sẽ có nhiều cơ hội để học hỏi và phát triển bản thân hơn. Tuy nhiên, Việt Nam là quê hương, nơi có gia đình, có bạn bè do đó chỉ cần có những chính sách hợp lý, có tác động tích cực thì tôi tin chắc rằng không chỉ tôi mà sẽ có nhiều du học sinh mong muốn được về quê hương cống hiến".

"Tôi dự định sau khi hoàn thành khóa học tại đây sẽ tiếp tục học thạc sĩ, sau khi có đầy đủ kiến thức tôi sẽ trở về Việt Nam giúp những bệnh nhân có điều kiện khó khăn được tiếp cận các kĩ thuật khoa học tiên tiến trong phát hiện, điều trị ung thư. Tuy nhiên, để đạt được điều này, vẫn luôn cần những chính sách phù hợp, tạo điều kiện để du học sinh có thể trở về nước và an tâm làm việc" 

Du học sinh tại Mỹ Vũ Nam Phương chia sẻ

Trong khi đó, Vũ Nam Phương - du học sinh đang theo học tại trường UT MD Anderson Cancer Center School of Health Profession - Texas, Mỹ (một trường đào tạo điều trị ung thư nổi tiếng thế giới) cũng bày tỏ sự lo lắng về vấn đề an ninh của TPHCM. Nam Phương cho biết, TPHCM luôn năng động và nhộn nhịp, tuy nhiên kéo theo sự phát triển cũng là những tệ nạn, tiêu biểu là trộm cắp, cướp giật. “Gần đây tôi có đọc tin về du khách nước ngoài bị cướp giật tại TPHCM. Việc đảm bảo an ninh, trật tự tại TPHCM không chỉ giúp người dân an tâm sinh sống mà là cách thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Việt Nam. Hy vọng, những vị lãnh đạo mới với các quyết sách mạnh tay với tệ nạn xã hội sẽ đem lại an toàn, văn minh cho TPHCM", Nam Phương nói.

Là nữ sinh Việt Nam duy nhất tại Viện Ung thư hàng đầu thế giới, cô luôn mong muốn được trở về quê hương. Phương cho biết, giấc mơ theo đuổi ngành bác sĩ đến từ chính việc mẹ Phương mất vì căn bệnh ung thư do không được chẩn đoán kịp thời, kỹ thuật và công nghệ còn sơ sài, vì vậy theo học tại đây, Phương luôn mong một ngày được mang kiến thức của mình phục vụ cho nước nhà. 

"Tôi dự định sau khi hoàn thành khóa học tại đây sẽ tiếp tục học thạc sĩ, sau khi có đầy đủ kiến thức tôi sẽ trở về Việt Nam giúp những bệnh nhân có điều kiện khó khăn được tiếp cận các kĩ thuật khoa học tiên tiến trong phát hiện, điều trị ung thư. Tuy nhiên, để đạt được điều này, vẫn luôn cần những chính sách phù hợp, tạo điều kiện để du học sinh có thể trở về nước và an tâm làm việc", Phương chia sẻ. 

MỚI - NÓNG