Ai chịu trách nhiệm vụ Tân Thuận bán dự án cho Quốc Cường Gia Lai?

Theo Tổng thư ký VAFI: “Lãnh đạo Thành Uỷ TP.HCM phải chịu trách nhiệm về việc bổ nhiệm nhân sự nếu có sai phạm, đồng thời chịu trách nhiệm vì thiếu kiểm tra, giám sát đơn vị thành viên. Ba mươi héc ta đất ở trung tâm TP.HCM chứ đâu phải một, hai căn nhà”

Năm 2017, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) - một đơn vị trực thuộc Thành uỷ TP.HCM đã bán chỉ định hơn 30ha đất, tại Khu dân cư Phước Kiển cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) với giá 1,29 triệu đồng/ m2.

Ngày 18/4, Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM ra thông cáo khẳng định không đồng ý việc bán chỉ định và yêu cầu Công ty Tân Thuận phải đàm phán với đối tác để huỷ hợp đồng. Đồng thời, Thường vụ Thành ủy chỉ đạo xem xét giải quyết việc thực hiện chuyển nhượng đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, vào ngày 27/12/2017, sau khi có thông tin về việc này, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo dừng việc chuyển nhượng, yêu cầu phải đàm phán lại và báo cáo cho Thường trực Thành ủy.

 
Ai chịu trách nhiệm vụ Tân Thuận bán dự án cho Quốc Cường Gia Lai? ảnh 1

Thành ủy TP.HCM yêu cầu dừng thương vụ chuyển nhượng Khu dân cư Phước Kiển giữa Công ty Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, thương vụ bán dự án Khu dân cư Phước Kiển giữa Công ty Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai, nếu xuất hiện yếu tố hình sự (tham nhũng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng...) thì song song với xử lý về mặt hình sự, hợp đồng kinh tế giữa Công ty Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai cũng có thể bị huỷ bỏ.

"Không khó để thấy có khuất tất trong vụ việc chuyển nhượng này. Cần phải làm rõ trách nhiệm của những người đứng đầu. Thực ra quản lý yếu kém để thất thoát tài sản nhà nước, mà nhiều nhất là đất đai đã diễn ra từ lâu. Bắt nguồn từ cơ chế thiếu thống nhất của doanh nghiệp nhà nước. Theo luật thì từ lâu rồi không còn doanh nghiệp của các đoàn thể, mà đều là doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp, nếu nhà nước sở hữu 100% vốn, thì gọi là doanh nghiệp nhà nước. Và Nhà nước quản lý doanh nghiệp với tư cách của một chủ sở hữu (cổ đông hoặc thành viên góp vốn) theo quy định của pháp luật. Nếu như vẫn còn tổ chức đoàn thể là chủ quản của doanh nghiệp thì hoặc là không theo luật, hoặc là phải theo quy định chung về quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN", Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Trong khi đó, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) ông Nguyễn Hoàng Hải khẳng định cần làm rõ trách nhiệm của các bên trong vụ việc này.

Theo ông Hải: "Tài sản nhà nước không phải anh muốn bán là bán. Mua bán phải được sự chấp thuận của đại diện chủ sở hữu, trong trường hợp này đại diện quản lý phần vốn nhà nước trong Công ty Tân Thuận là Thành uỷ TP.HCM. Nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước và các dấu hiệu sai phạm đầu tiên phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu Công ty Tân Thuận. Anh là người lãnh đạo cao nhất tại đơn vị, đơn vị sai phạm thì anh phải chịu trách nhiệm trước tổ chức chủ quản (Thành uỷ) và trước pháp luật".

"Ngoài ra, không thể không xem xét trách nhiệm của những người đứng đầu Thành uỷ. Anh không thể nói không được báo cáo, không biết là coi như anh không liên quan. Lãnh đạo Thành Uỷ phải chịu trách nhiệm về việc bổ nhiệm nhân sự khi có dấu hiệu sai phạm, đồng thời chịu trách nhiệm vì thiếu kiểm tra, giám sát đơn vị thành viên. Ba mươi héc ta đất ở trung tâm TP.HCM chứ đâu phải một, hai căn nhà" - Tổng thư ký VAFI nói.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.