Lần thứ 5 vỡ đường ống nước sông Đà:

Ai chịu trách nhiệm bồi thường?

Hiện trường vị trí vỡ đường ống lần thứ 5
Hiện trường vị trí vỡ đường ống lần thứ 5
TP - Được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng kể từ ngày đưa vào sử dụng, hệ thống đường ống dẫn nước sạch sông Đà đã 5 lần xảy ra sự cố khiến hàng vạn hộ dân Hà Nội khốn đốn vì thiếu nước sạch. Nhiều câu hỏi được đặt ra về chất lượng đường ống cũng như trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng.

Cháy nhà không có nước dập

Theo thông báo của Cty CP nước sạch Vinaconex (đơn vị quản lý và cung cấp nước sạch sông Đà), sự cố vỡ đường ống dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội bị vỡ lần thứ 5 đã được khắc phục. Tuy nhiên, theo ghi nhận cho đến cuối chiều qua (2/4), nhiều khu vực trên địa bàn các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy..., nước chưa được cấp trở lại làm đảo lộn cuộc sống của nhiều hộ dân nơi đây.

Nhiều người dân ở tổ 44 phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) phải thức cả đêm đi xin nước về sinh hoạt. “Tối ngày 1/4, cả tổ nháo nhác vì mất nước. Gia đình nào cũng trong cảnh tay xách, nách mang, lỉnh kỉnh xô, chậu, gồng gánh đi xin nước. Nhiều người phải sơ tán đi đến quận khác để nhờ tắm rửa”, ông Hoàng Trung Khanh ở tổ 44 bức xúc.

Nhiều người cho rằng, hết lần này đến lần khác Cty CP nước sạch Vinaconex “đẩy lỗi” do nền địa chất yếu dẫn đến đường ống nước sạch bị vỡ là không thuyết phục. “Đã biết nguyên nhân tại sao họ không tìm cách khắc phục. Trả lời như vậy là thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng, vì mang tiếng là khách hàng bỏ tiền ra sử dụng dịch vụ mà chúng tôi phải đi xin nước về dùng”, anh Nguyễn Văn Vũ ở phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) nói.

Cuộc sống người dân không chỉ bị đảo lộn, mà nhiều trường hợp “của mất, nhà tan” vì bị mất nước. Sáng qua (2/4), tại nhà hàng Dzo Dzo nằm trên đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân) xảy ra một vụ cháy lớn. Hậu quả là toàn bộ khu vực tầng 3 của nhà hàng bị thiêu rụi hoàn toàn, nhiều vật dụng, đồ đạc tại tầng 2 cũng bị cháy xém. Điều đáng nói, công tác cứu hoả gặp nhiều khó khăn do cả quận Thanh Xuân đang bị mất nước do sự cố vỡ đường ống nước sông Đà.

Anh Lê Minh Thương ở quận Hoàng Mai nói rằng, thiệt hại nặng nề nhất trong vụ mất nước là những hộ kinh doanh, nhất là kinh doanh dịch vụ ăn uống. “Có lẽ đơn vị này phải tính đến phương án đền bù thiệt hại cho chúng tôi trong những lần mất nước tới”, anh Thương nói.

Chưa ai nói đến bồi thường

Hệ thống đường ống dẫn nước sạch sông Đà từ Hòa Bình về Hà Nội có chiều dài khoảng 47km.

Một số chuyên gia về nước sạch nói rằng, ngay từ khi xây dựng đường ống dẫn nước mặt sông Đà để cấp nước về Hà Nội, họ đã khuyến cáo về an ninh nguồn cấp nước. “Việc chỉ thiết kế một đường ống truyền dẫn duy nhất rất rủi ro. Khi sự cố xảy ra, không thể có nguồn nước nào thay thế kịp thời và sẽ ảnh hưởng đến việc cấp nước cho một vùng rộng lớn của Hà Nội”, một chuyên gia nói.

Vị chuyên gia này cho rằng, việc đường ống 5 lần bị vỡ cần phải xem xét lại quá trình thi công cũng như chất lượng vật liệu lắp đặt. Theo ông Nguyễn Sỹ Trung, kỹ sư thực hiện dự án mở rộng và hoàn thiện đường đại lộ Thăng Long (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ GTVT), cho rằng, loại ống composite được sử dụng cho dự án cấp nước sông Đà được sản xuất từ một loại sợi tổng hợp. Loại ống này nếu lắp đặt trên nền đất yếu, chưa được xử lý kỹ thì chỉ cần nền đất lún không đều, ống sẽ biến dạng, dễ vỡ.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Tốn, Giám đốc Cty CP Nước sạch Vinaconex, cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vỡ ống nước sạch sông Đà là do nền đất yếu, lại chịu tải trọng lớn của xe cộ qua lại. Tuy nhiên, ông Tốn không đề cập chất lượng, vật liệu đường ống cũng như chuyện nền đất yếu là do lỗi khảo sát, thiết kế.

“Khi đào chỗ ống vỡ lên thấy nguyên nhân vỡ ống giống lần trước là nền do đất yếu. Lần thứ 5 này vỡ còn do vị trí nằm dưới đường hầm chui dân sinh. Một phần do tác động của hầm chui, xe cộ đi lại đè ép”, ông Tốn nói.

Về trách nhiệm với khách hàng khi liên tục xảy ra vỡ đường ống gây mất nước, ông Tốn nói: “Đây là sự cố khách quan, bất khả kháng, không ai mong muốn. Thường người dân cũng thông cảm, họ hỏi mất bao lâu thôi chứ chưa nói đến chịu bồi thường gì. Chúng tôi cũng đã tính làm đường ống thứ hai song song với đường ống cũ”.

Luật sư Nguyễn Bá Sơn, Trưởng văn phòng Luật sư Phidenson Việt Nam (đoàn Luật sư Hà Nội), cho rằng, khách hàng cần yêu cầu cơ quan chức năng xem xét việc vỡ đường ống dẫn nước sạch sông Đà trong 5 lần vừa qua có thực sự là do sự cố bất khả kháng hay không.

“Trong trường hợp lỗi từ đơn vị cung cấp dịch vụ, không thực hiện đúng các điều khoản của hợp đồng thì người dân có quyền khởi kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Với số lượng hộ dân ảnh hưởng rất lớn nên có thể theo nhóm hoặc đại diện cho khách hàng khởi kiện bên cung cấp nước cố tình cắt sai quy trình, trong khi vẫn có thể cung cấp được bình thường và việc cắt đó gây thiệt hại cho khách hàng”, ông Sơn phân tích.

Bộ Xây dựng kiểm tra việc vỡ đường ống

Chiều 2/4, trao đổi với Tiền Phong ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng), nói: “Việc vỡ đường ống nước đã diễn ra nhiều lần nên Bộ Xây dựng, mà cụ thể là Cục Giám định sẽ cử đoàn đi kiểm tra và làm việc với chủ đầu tư ngay trong ngày 3/4”.

MỚI - NÓNG