Diễn biến những ngày qua cho thấy chính phủ và quan chức hàng không Ai Cập và Pháp rất thận trọng trước thông tin liên quan đến sự cố chiếc A320. Ngay cả khi tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” nhận trách nhiệm khủng bố chiếc máy bay của EgyptAir, thì Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Ai Cập Sherif Fathi vẫn khẳng định còn quá sớm để kết luận vì sao chiếc A320 gặp nạn. Tổng thống Pháp Francois Hollande chỉ xác nhận máy bay đã rơi ở Địa Trung Hải.
Sự thận trọng trên là cần thiết, trong bối cảnh tình hình xã hội và kinh tế của Ai Cập cũng như Pháp ở vào thời điểm nhạy cảm.
Đối với Ai Cập, khủng hoảng kinh tế kéo dài khiến nợ nước ngoài của Cairo lên gần 48,3 tỷ USD. Vụ rơi máy bay chở khách của Nga tại bán đảo Sinai (tháng 10/2015) càng khiến cho du lịch, ngành kinh tế chủ lực của Ai Cập, thêm ảm đạm. Doanh thu từ du lịch giảm mạnh từ 10,6 tỷ USD trong tài khóa 2010 - 2011 xuống còn 7,4 tỷ USD trong tài khóa 2014- 2015. Tai nạn của chiếc A320 tiếp tục là đòn mạnh giáng xuống nền kinh tế vốn đang kiệt quệ của đất nước Kim tự tháp.
Đối với Pháp, thảm họa máy bay Ai Cập khởi hành từ Paris một lần nữa làm dấy lên nỗi sợ hãi về khủng bố, nhất là khi giải vô địch bóng đá châu Âu 2016 chỉ còn chưa 20 ngày nữa lăn trên sân cỏ nước Pháp. Không ngạc nhiên khi Paris nhanh chóng cử lực lượng tới Ai Cập và Hy Lạp tham gia chiến dịch tìm kiếm với mong muốn “Pháp rất muốn biết toàn bộ sự thật” như tuyên bố của Ngoại trưởng Marc Ayrault.
Ngạn ngữ Nga có câu: “Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không còn là sự thật nữa”. Nói như vậy để thấy, tuyên bố của giới chức Paris đã đánh trúng tâm lý của người dân Pháp cũng như châu Âu, những người vẫn đang ám ảnh bởi vụ khủng bố tháng 11/2015 tại Paris gây nhiều thương vong. Người dân luôn chờ đợi và sẵn sàng chấp nhận sự thật, cho dù sự thật đó có phũ phàng đến thế nào.