A Sầu dưới lũng mù sương

Một phần thung lũng A Sầu - Ảnh: Trần Tuấn
Một phần thung lũng A Sầu - Ảnh: Trần Tuấn
TP - Chuyến xe đò cuối cùng trong ngày thả tôi xuống vùng thung lũng A Sầu. A Sầu, hay A Shau là cách gọi đầy ám ảnh của người Mỹ, A So hay A Sao như cách gọi quen thuộc của đồng bào Tà Ôi, Pa Kô về thung lũng lừng danh này.  

Tôi giờ đây với tâm trạng khi thả chân bước vào vùng thung lũng lúc tối trời, chợt muốn gọi là A Sầu, hay A Sương gì đó...

Bởi nơi chốn này chìm sâu trong sương. Sương và mưa bụi mịt mùng giăng khắp cung đường 25 cây số tiếp theo tôi ngồi xe máy được một người địa phương chở về bản A Ka xã A Roàng nơi đã hẹn phía sâu sâu kia.

“Sương mù dày đặc liên tục khiến máy bay ném bom chiến đấu trở nên vô dụng ở A Shau”, cựu trung sĩ thuộc Sư đoàn dù 101 của MỹLarry Chambers, sau này trong cuốn “Death in the A Shau valley” (Chết ở thung lũng A Shau) đã ghi lại. Bom B-52 của Mỹ “thả mò” trong sương mù, cộng với dioxin phát quang rừng núi đã biến thung lũng xanh tốt rậm rạp này như mô tả của các ký giả chiến trường Mỹ, trở nên tàn tạ như quang cảnh trên mặt trăng (moonscape) đầy sần sẹo, hang hố...

Còn tướng 4 sao Colin Powell, sau này trở thành Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống George W.Bush, từng tham chiến ở A Shau với tư cách Đại úy cố vấn quân sự, trong hồi ký của mình, không thừa nhận người Mỹ đã “chiến thắng” trong cuộc chiến.Đánh bại họ ư? Hầu hết thời gian chúng tôi thậm chí không thể tìm thấy họ”. Liên tục bị phục kích và mất quân, Colin Powell thừa nhận “Sự phấn khích của một thanh niên Mỹ 25 tuổi tự mãn đã bốc hơi chỉ sau một phát súng”. Kỷ niệm với chiến trường Việt Nam với người cựu binh Mỹ nổi tiếng này, đó chỉ là hai lần hút chết. Lần đầu vào tháng 7/1963, khi ông bị sập hầm chông của du kích ở thung lũng A Sầu. Lần thứ hai vào năm 1969, ông sống sót sau vụ tai nạn trực thăng lúc hạ cánh...

A Sầu dưới lũng mù sương ảnh 1 Quỳnh Pích kể về tập tục người Tà Ôi - Ảnh: Trần Tuấn

Để rồi thung lũng A Sầu, cùng với “Đồi thịt băm” (Hamburger Hill, theo cách gọi của lính Mỹ) về ngọn đồi A Biah một điểm cao trong thung lũng, như Larry Chambers thừa nhận, là “nơi sát thương nhất trong toàn bộ cuộc chiến”...

... Cả nhà Quỳnh Lai đang đón chờ tôi bên bếp lửa nhà sàn bập bùng, mùi thịt cá nướng và hơi rượu ấm nồng, thơm phức. Cái lạnh buốt vừa mang từ ngoài sương gió vào phút chốc tan biến. Mới thấy ngọn lửa chính là phát minh cũng là sự che chở kỳ vĩ nhất của loài người. Lúc nãy chở tôi về bản A Ka đây là Long, vốn là thợ làm hầm A Roàng quê Hòa Bình nay định cư ở xã Lâm Đớt gần bên. Long bùi ngùi kể về cảnh nghèo của những người quen ở xã Đông Sơn bên cạnh Sân bay A So. Nghèo, thiếu quần áo, chăn màn, nên nhiều nhà mấy thế hệ cả vợ chồng mới cưới phải ngủ tập thể quây bên đống lửa cháy cả đêm để giữ hơi ấm. Sau được những nhà hảo tâm cho ít cái chăn mền, ai nấy ngủ không muốn dậy vì chăn mền...thơm quá!Dù bình thường ai cũng phải dậy sớm để lạm lụng kiếm cái ăn...

Quỳnh Lai tên chính thức là Viên Xuân Danh, Phó chủ tịch xã A Roàng (huyện A Lưới). Lai là cô con gái của anh, nên bố được người làng Tà Ôi gọi là Quỳnh Lai (bố cái Lai). Như ông anh của Danh là Viên Đăng Minh đang ngồi xếp bằng bên bếp lửa rót rượu với đôi mắt biết cười đây được gọi là Quỳnh Pích (bố thằng Pích).

Pích, 32 tuổi, nhiều râu ria có vẻ “thích” được gọi là Phú hơn. Viên Đăng Phú từ gần chục năm nay vừa làm ruộng rẫy, nuôi cá, vừa điều hành một homestay mang tên mình. Có lẽ nơi thung lũng này, A Roàng đã chiếm hết “lợi thế” trời cho so với mấy xã lân cận. Đó là có Khu bảo tồn, rừng nguyên sinh A Roàng tới 3 ngàn hecta, có thác, suối nước mát, suối nước nóng, lại thuận tiện nằm bên đường Hồ Chí Minh với nhiều di tích lịch sử, văn hóa,... Nên du khách Tây ta đến đây đều được Phú dẫn đi thăm thú, trải nghiệm, từ tắm táp, ẩm thực, gặt lúa, cắt cỏ, bắt cá, đến tiết mục “hái rượu” từ những cây đùng đình, cây đoác trong rừng...

Dù vậy, Phó chủ tịch Viên Xuân Danh cho biết trong tổng số 704 hộ toàn A Roàng hiện vẫn còn 119 hộ nghèo, 209 hộ cận nghèo. Năm ngoái phấn đấu thoát nghèo được 28 hộ. Không nén được tiếng thở dài khi ghé nhà già làng Hồ Văn Lớp ở bản Ka Lôi. Già Lớp 70 tuổi, từ năm 1966 đi bộ đội huyện chiến đấu nơi chiến trường này cho tới 1975, huân huy chương, giấy khen treo kín trường trong ngôi nhà cũ kỹ trống trơn. Vợ già, bà Lê Thị Sở 65 tuổi, từng là Thanh niên xung phong tải đạn, gùi gạo, mở đường dọc rẻo Trường Sơn, bị thương nhưng mấy lần làm chính sách thương binh không được. Giờ bà nằm liệt trên chiếc chõng cũ ẩm mốc đã 8 năm nay, nom kiệt quệ không còn chút sức lực. Già Lớp kể, mới từ tháng 8 năm ngoái bà được nhận chế độ 670 ngàn đồng mỗi tháng.

Tiếng thở dài như nén lặng hòa trong sương mù của Hồ Văn Tôi, Phó chủ tịch xã Đông Sơn – nơi có hai “tiềm năng phát triển du lịch” là Sân bay A So - di tích lịch sử cấp quốc gia, và Nhà trưng bày chứng tích chiến tranh hóa học của Mỹ! Cuối những năm 60 của thế kỷ trước, cuộc chiến tranh hóa học của Mỹ từng diễn ra khốc liệt nơi đây, với con số thống kê hơn 11kg dioxin đã được rải xuống, nồng độ dioxin ở sân bay A So gấp 26 lần mức cho phép! Hồ Văn Tôi cho biết xã hiện có 42 nạn nhân chất độc da cam đang được hưởng chính sách. Thế hệ nạn nhân F1 từng trực tiếp tham gia chiến trường nay đã chết, giờ chất độc dioxin đã lan tới thế hệ F4, tức là những đứa chắt của họ. Nỗi khổ truyền đời dai dẳng đến kinh hoàng. Với hai “tiềm năng du lịch” ấy, du khách đến đây chỉ là những cựu chiến binh của ta và Mỹ, nhưng “đến miếng nước cũng không dám uống” vì sợ lây nhiễm chất độc (?!) thì nói gì đến việc làm du lịch để thu tiền? Dù nước uống ở Đông Sơn bây giờ được một công ty ở Huế lên dẫn từ đầu nguồn trên núi cao xa hơn 5 cây số về, với giá nước 8.600 đồng mỗi khối, ngang với giá nước sinh hoạt ở thành phố.

Đông Sơn giờ mới hoàn tất rà phá bom mìn chiến tranh để lại ở các khu dân cư và đất ruộng sản xuất quanh nhà, còn khu vực rừng trồng thì chưa rà phá xong, mà rừng này rộng tới cả ngàn hecta chiếm gần một nửa đất tự nhiên của xã. Mưu sinh nghề rừng của bà con gặp khó. Nên dễ hiểu Đông Sơn giờ vẫn là xã biên giới đặc biệt khó khăn. Năm 2000 cả xã có 396 hộ thì tới 142 hộ nghèo, 84 hộ cận nghèo. Năm ngoái phấn đấu đưa được 19 hộ từ nghèo xuống cận nghèo!

Lặn lội giữa mù sương A Sầu lần này, tôi đi tìm rượu mây. Nhưng nghe Quỳnh Pích bảo rượu mây giờ khó lấy lắm, nên hiếm. Gì thì Quỳnh Pích cũng là người người am hiểu văn hóa, phong tục người Tà Ôi bậc nhất ở A Roàng. Bởi ông từng làm nhiệm vụ quản lý các nghệ nhân tại Làng dân tộc Tà Ôi ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam(Đồng Mô, Hà Nội) suốt mấy năm rồi.

Nhớ chuyến chạy xe máy vượt 2 ngàn cây số đường Tây Trường Sơn hồi gần 20 năm trước, đêm nghỉ lại lán trại của thợ Sông Đà đang đào hầm A Roàng, tôi đã được nếm thử rượu mây. Khi ấy, san đồi xẻ núi giữa rừng rậm ngổn ngang, những thân cây mây to bằng người ôm mọc ngay bìa taluy. Phạm Minh Nắng, Đội trưởng Đội khoan hầm của Sông Đà 6, hôm ấy bảo thấy đồng bào chọc ống lồ ô vào cây mây lấy rượu, thú quá bèn mua lại một ít. Thật khó quên cái vị đắng nhẩn pha lẫn chát như “bó lưỡi” của loại rượu “hái” từ thân loại cây gai góc này. Lại nhớ trong một bút ký viết dưới thung lũng A Sầu này, Hoàng Phủ Ngọc Tường tả “rượu mây, gọi là chà vi, quý nhất trong các loại rượu của miền núi, muốn lấy phải thật kỳ công vì đọt cây mây tượng cao tít lưng trời”. Vị rượu mây sau chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 ai nấy “đói liêu xiêu” nơi bản Ariêl tít mù cao ấy, với Hoàng Phủ còn mang hương vị lạ, bởi khi ấy nhà văn đang “say” nàng Kan Sao, một thiếu nữ Cà Tu xinh đẹp mà ông gọi là “Diễm xưa của tôi”.

Già làng Hồ Văn Lớp từng thông thạo với việc lấy rượu mây, bảo rằng rượu mây hiếm vì mây mọc ở rừng sâu, thân mây lại ít nước, mỗi lần khai thác chỉ được chừng nửa lít. Người “hái” rượu mây phải chặt hai thân cây buộc thành một cái thang cao 2-3 chục mét, rồi vừa leo lên vừa phạt bớt gai và cành mây đâm ra tua tủa. Sau đó rạch một đường nhỏ vào thân mây, đưa ống nứa, nối với đoạn ống lồ ô lớn để hứng nước chảy ra. Mấy ngày sau lại vào rừng leo lên thu gom các ống lồ ô. Lúc này vỏ cây chuồn để sẵn từ trước trong ống cũng đã tạo men rượu. Quỳnh Pích đưa tôi xem những miếng vỏ chuồn tước ra như vỏ cây quế, là một loại men rượu độc đáo của vùng núi non này. Muốn có loại rượu mây mang vị đắng, chát say nhiều thì bỏ vô nhiều vỏ chuồn, còn ít vỏ chuồn sẽ cho loại rượu nhẹ và ngọt hơn. Hơn các loại rượu khác, rượu mây đằm nhất để chống lại tiết trời lạnh giá...

Trong sương mù vượt Cổng trời A Roàng về lại A Tép mạn Tây Giang (Quảng Nam), tôi ngang qua “làng sét đánh” nằm dưới thung sâu. Những thân cây cụt ngọn, cháy đen bên đường như lời nhắc. Lại nhớ trong sách của nhà văn cựu binh Mỹ Larry Chambers, thấy kể rằng ông và người bạn thân nhất là Gary Linderer (sau này cũng trở thành nhà văn nổi tiếng) cùng trong đội trinh sát nhảy dù “bị sét đánh trong nhiệm vụ cuối cùng của mình ở Thung lũng A Shau vào năm 1969. 

Rồi lại miên man, nhớ cái câu của Hoàng Phủ Ngọc Tường về loài hoa đỏ những nơi từng đạn bom khốc liệt này. “Hoa là trí nhớ của đất, và đất này thì tưới nhiều máu, nên cây cỏ hoa màu đỏ. Có nhiều điều quan trọng của mảnh đất này mà con người đã quên đi, cây cỏ nhắc lại”.

Nhưng còn màu sương màu gió, màu da cam nơi thung lũng oai linh này, có nhắc nhớ ta gì không? 

Nhớ cái câu của Hoàng Phủ Ngọc Tường về loài hoa đỏ những nơi từng đạn bom khốc liệt này. “Hoa là trí nhớ của đất,và đất này thì tưới nhiều máu, nên cây cỏ hoa màu đỏ. Có nhiều điều quan trọng của mảnh đất này mà con người đã quên đi, cây cỏ nhắc lại”. 

MỚI - NÓNG