Ả-rập Xê-út cảnh báo Mỹ về chiến dịch quân sự của Israel

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong những ngày gần đây, các quan chức Ả-rập Xê-út cảnh báo mạnh mẽ Mỹ rằng một cuộc tấn công trên bộ của Israel vào Dải Gaza có thể gây ra thảm họa đối với Trung Đông.
Ả-rập Xê-út cảnh báo Mỹ về chiến dịch quân sự của Israel ảnh 1
Binh lính Israel trong một cuộc tập trận pháo binh ở miền nam ngày 23/10. (Ảnh: NYT)

Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal, thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, là một trong 10 thượng nghị sĩ đã gặp Thái tử kế vị Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman tại thủ đô Riyadh cuối tuần trước.

Thượng nghị sĩ Blumenthal nói với New York Times: “Giới lãnh đạo Ả-rập Xê-út hy vọng có thể tránh được một chiến dịch trên bộ vì lý do ổn định cũng như thiệt hại về người”. Ông nói thêm rằng các quan chức Ả-rập Xê-út cảnh báo một chiến dịch như vậy sẽ “cực kỳ gây hại”.

Theo một quan chức Ả-rập Xê-út và một người nắm được tình hình trao đổi, các quan chức cấp cao của Ả-rập Xê-út thậm chí còn đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ hơn tới những người đồng cấp Mỹ trong nhiều cuộc trao đổi, cho rằng một cuộc xâm lược trên bộ của Israel vào Dải Gaza có thể trở thành thảm họa cho toàn bộ khu vực.

Các trao đổi diễn ra khi tình hình Dải Gaza tiếp tục căng thẳng. Những nhu yếu phẩm như nước và nhiên liệu ngày càng khan hiếm, trong khi Israel liên tiếp bắn phá và bao vây dải đất để đáp trả cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10.

Một quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết, rõ ràng người Ả-rập Xê-út không muốn Israel tấn công toàn diện vào Dải Gaza.

Mỹ đã nhiều lần khẳng định ủng hộ quyền tự vệ của Israel từ khi Hamas tấn công bất ngờ vào miền nam Israel, khiến hơn 1.400 người thiệt mạng.

Các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden đã đề nghị Israel trì hoãn cuộc xâm lược vì nhiều lý do, bao gồm việc kéo dài thêm thời gian cho các cuộc đàm phán về con tin, đưa thêm hàng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza và lập kế hoạch chiến tranh tốt hơn. Cũng có những dấu hiệu cho thấy Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel đang do dự về việc mở chiến dịch xâm lược.

Nhà Trắng từ chối bình luận về những thông tin này.

Trong cuộc điện đàm tuần này, Thái tử Mohammed và Tổng thống Biden “đồng ý theo đuổi các nỗ lực ngoại giao rộng rãi hơn để duy trì ổn định trên toàn khu vực và ngăn chặn xung đột lan rộng”, Nhà Trắng cho biết trong một thông cáo, và không đề cập đến việc thảo luận về chiến dịch tấn công trên bộ.

Sau một thời gian quan hệ song phương căng thẳng, Thái tử Mohammed và Tổng thống Biden đã tìm thấy điểm chung về một thỏa thuận tiềm năng, theo đó Ả-rập Xê-út sẽ công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel.

Tổng thống Biden và các trợ lý hàng đầu của ông rất mong muốn đạt được thỏa thuận như vậy, cho rằng nó sẽ định hình lại Trung Đông. Nhưng họ cũng thừa nhận còn nhiều khó khăn trong công tác ngoại giao.

Nhiều chính phủ Ả-rập, bao gồm Ả-rập Xê-út, từ lâu vẫn từ chối thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel trước khi thành lập nhà nước Palestine. Nhưng trong thập kỷ qua, tính toán đó đã thay đổi khi các nhà lãnh đạo khu vực nhìn thấy những lợi ích kinh tế và an ninh mà mối quan hệ này có thể mang lại, bên cạnh đó họ cũng sẽ nhận được ưu ái từ Mỹ.

Năm 2020, Bahrain, Ma-rốc và UAE thiết lập quan hệ với Israel theo thỏa thuận mang tên Hiệp định Abraham, do chính quyền cựu Tổng thống Trump làm trung gian.

Bước đi đó không được người dân bình thường trong khu vực hoan nghênh, vì họ vẫn ủng hộ khát vọng chính nghĩa của người Palestine, trong khi Chính phủ Israel tiếp tục mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây.

Các cuộc thảo luận giữa chính quyền Tổng thống Biden và Ả-rập Xê-út mở rộng hơn so với thời cựu Tổng thống Trump.

Các quan chức Ả-rập Xê-út cho biết, họ sẽ sẵn sàng xem xét việc bình thường hóa quan hệ với Israel để đổi lấy những lợi ích mà Mỹ mang lại: Một hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Ả-rập Xê-út, sự ủng hộ của Mỹ cho chương trình hạt nhân dân sự của Ả-rập Xê-út và Mỹ sẽ bán thêm vũ khí cho đồng minh này.

Các quan chức Mỹ và Ả-rập Xê-út cũng trao đổi về những nhượng bộ mà Israel phải thực hiện với người Palestine. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn với Fox News tháng trước, Thái tử Mohammed dường như ra tín hiệu rằng nhượng bộ đó có thể không phải là việc thành lập một nhà nước Palestine.

Sau đó, Hamas tấn công Israel và Israel đáp trả bằng cách bao vây hơn 2 triệu người Palestine sống ở Dải Gaza, cắt điện nước và bắn phá khu vực này.

Những người biểu tình giận dữ đã xuống đường trên khắp Trung Đông để bày tỏ tình đoàn kết với người Palestine, lên án Israel và Mỹ.

Trong tình hình đó, giới chức Ả-rập Xê-út lên án cuộc bao vây của Israel và kêu gọi ngừng bắn.

Trong những cuộc gặp và điện đàm riêng với quan chức Mỹ, các nhà lãnh đạo Ả-rập Xê-út đưa ra thông điệp thẳng thắn. Blumenthal và Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết, Thái tử kế vị và các quan chức Ả-rập Xê-út khác đã thể hiện giọng điệu đáng ngại với phái đoàn Thượng viện Mỹ.

Hoàng tử “hiểu rằng đây là một hành động khủng bố. Nhưng ông ấy muốn một phản ứng chừng mực để không dẫn tới một cuộc xung đột lâu dài và sâu sắc hơn”, ông Graham kể nói về cuộc tấn công của Hamas vào Israel.

Các học giả nghiên cứu về Hamas cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm loại bỏ lực lượng này, như Israel đã tuyên bố, có thể gieo mầm mống cho bạo lực và chủ nghĩa cực đoan gay gắt hơn, làm tổn thương thêm tình cảm của người Palestine khi phải sống dưới sự chiếm đóng và kiểm soát của Israel.

Chiến dịch tấn công trên bộ vào Dải Gaza cũng có thể gây bất ổn ở các nước láng giềng và bất ổn ở các nước mà chính phủ ở đó đang cố gắng kiểm soát sự bất mãn của dư luận trước những khó khăn kinh tế và bất đồng chính trị, như ở Bahrain, Ai Cập và Jordan.

Iran từ lâu đã ủng hộ Hamas và các lực lượng khác đối đầu với Israel. Họ doạ sẽ mở các mặt trận mới trong cuộc chiến, tùy thuộc vào phản ứng quân sự của Israel. Ả-rập Xê-út là một mục tiêu tiềm năng.

Kể từ khi xung đột Israel – Hamas nổ ra, các quan chức Ả-rập Xê-út đã quay lại với lời kêu gọi về tiến trình hòa bình thực chất giữa Israel - Palestine và thành lập một nhà nước Palestine với Jerusalem là thủ đô.

“Nếu chúng ta không sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, mọi thách thức, mọi lịch sử liên quan đến vấn đề này thì chúng ta sẽ không bao giờ có được hòa bình và an ninh thực sự trong khu vực”, Hoàng tử Faisal bin Farhan, Ngoại trưởng Ả-rập Xê-út, phát biểu với báo chí trong tuần này.

Bất chấp bạo lực leo thang, có vẻ các quan chức Mỹ và Ả-rập Xê-út vẫn nuôi hy vọng về thỏa thuận bình thường hóa với Israel.

Các quan chức Mỹ và Israel coi bình thường hóa quan hệ này là một cách giúp kiềm chế Iran.

Theo NYT
MỚI - NÓNG