Theo Đông y, quả mơ có tên gọi là mai tử, vị chua, tính bình. Bên cạnh đó, mơ còn có nhiều “biến tấu” khác như: Mơ xanh gọi là thanh mai, khi ngâm rượu gọi là thanh mai tửu. Mơ muối gọi là diêm mai hay bạch mai. Ô mai là mơ có màu đen. Diêm mai, bạch mai ở miền Nam quen gọi với tên “xí muội”.
Nước mơ có tác dụng giải khát rất tốt, chống mệt mỏi, giảm mất mồ hôi, tăng sức dẻo dai cho cơ thể, kích thích ăn ngon miệng, giảm rối loạn tiêu hóa. Ngoài dùng làm thức uống, quả mơ còn được dùng để chữa trị nhiều loại bệnh thường gặp ở người.
Trong đó, bạch mai có tác dụng đặc biệt cân bằng sự thẩm thấu giữa tế bào và máu, được sử dụng nhiều trong các bài thuốc dân gian:
1. Chữa đau dạ dày: Nước cất hạt mơ có tác dụng chữa ho, khó thở, nôn mửa, đặc biệt chữa trị đau dạ dày. Loại thuốc này có chứa lượng độc tính nhất định nên mỗi lần chỉ được dùng 0,5 đến 2ml, mỗi ngày không uống quá 6ml.
2. Chữa răng đau nhức: Quả mơ chín giã nát đắp vào răng.
3. Ho lâu ngày: Bạch mai 20g, cát cánh 10g, mạch môn 10g, cam thảo 5g, trần bì 10, hoàng kỳ 20g, 2 bát nước sắc còn 1/2 bát, chia 2 lần uống trong ngày.
4. Sỏi mật, viêm đau túi mật: Bạch mai, cam thảo chế, kim tiền thảo, hải kim sa, diên hồ tố, kê nội kim. Mỗi loại 15g sắc uống.
5. Ra mồ hôi trộm: Bạch mai, hoàng kỳ, ma hoàng căn, đương quy. Mỗi loại 10g sắc uống.
6. Đi phân lỏng dài ngày do tỳ hư: Bạch mai, bạch truật, kha tử, đảng sâm, mỗi loại 10g sắc uống.
7. Đái tháo đường, không tự chủ được tiểu tiện: bạch mai, thục địa, hoài sơn, đan phiến, ngũ vị tử. Mỗi loại 10g, nhục quế 2g. Sắc uống.
8. Tẩy giun đũa: Bạch mai 10g, xuyên tiêu 6g, gừng 3 lát sắc uống.
9. Miệng khô khát phiền nhiệt: Bạch mai, thiên hoa phấn, ngọc trúc, thạch hộc. Mỗi loại 6g sắc uống.
Ngoài ra, quả mơ xanh (thanh mai) còn dùng ngâm rượu để chữa phong thấp, nôn mửa, đau bụng, cảm nắng, ra mồ hôi tay chân. Rượu mơ cũng giúp ăn ngon miệng, kích thích tiêu hóa, chống đầy bụng, ợ hơi. Bác sĩ đưa ra lời khuyên cho bạn một ngày nên dùng 30-60ml rượu mơ pha với nước uống sẽ rất tốt cho sức khỏe.