Bệnh nhân nhiễm Ebola Thomas Eric Duncan qua đời sau một thời gian điều trị tại bệnh viện Texas Health Presbyterian ở thành phố Dallas, Mỹ. Ảnh: CBS News
Hiệp hội Y tá Quốc gia Mỹ (NNU) hôm nay tổ chức một cuộc gặp với các phóng viên để trình bày khiếu nại của các y tá tại bệnh viện Texas Health Presbyterian, thành phố Dallas.
Đây là nơi bệnh nhân nhiễm Ebola Thomas Eric Duncan vừa qua đời tuần trước. Hai nhân viên y tế từng chăm sóc cho Duncan, trong đó có nữ y tá gốc Việt Nina Phạm, đã được xác định dương tính với virus Ebola.
Boston Herald dẫn lời bà RoseAnn DeMoro, giám đốc điều hành NNU, cho hay các cáo buộc đến từ phản ánh của nhiều y tá, những người hiểu rõ những gì xảy ra trong bệnh viện. NNU đã xem xét kỹ lưỡng các khiếu nại này.
Không mặc đồ bảo hộ
Theo đơn khiếu nại của các y tá, Duncan đã nằm ở một khu vực không cách ly trong khoa cấp cứu suốt nhiều giờ và có khả năng lây lan virus cho 7 bệnh nhân khác. Các bệnh nhân này lại chỉ được cách ly một ngày trước khi chuyển đến khu vực có các bệnh nhân khác. Các y tá chăm sóc Duncan cũng đồng thời điều trị cho nhiều bệnh nhân trong bệnh viện.
Họ cho hay công tác chuẩn bị để đối phó dịch Ebola của bệnh viện còn sơ sài hơn cả một cuộc hội thảo bắt buộc với các nhân viên. Các y tá "tiếp xúc với Duncan bằng bất cứ thiết bị bảo hộ nào có sẵn", thậm chí khi anh này "tiết ra rất nhiều dịch truyền nhiễm". Khi các chỉ dẫn suốt quá trình chăm sóc bệnh nhân Ebola liên tục thay đổi, các y tá được phép lựa chọn bất cứ phương pháp nào họ muốn.
Các mẫu thí nghiệm của bệnh nhân Duncan được phép đi qua các đường ống nén khí của bệnh viện, gây ra nguy cơ ô nhiễm hệ thống phân phối mẫu. Những chất thải độc hại thì chồng đống cao đến trần.
12 tiếng sau khi được đưa vào phòng cấp cứu, Duncan tiếp tục sốt, ho, đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa. Bà Deborah Burger, một quan chức của NNU, cho hay lúc đó, các y tá phải dùng băng y tế để che lại các phần hở trên bộ trang phục mỏng manh của họ vì sợ vùng cổ và đầu bị phơi nhiễm khi chăm sóc cho bệnh nhân.
Khi khả năng Duncan bị nhiễm Ebola vẫn chưa được xác nhận, một bác sĩ đề nghị các đồng nghiệp cân nhắc việc dùng các bao phủ giày. Thực tế, việc đeo bao phủ giày là bắt buộc trong trường hợp này.
Một vài ngày sau, các y tá mới mặc áo choàng bảo hộ, đeo ba lớp găng tay, đi ba lớp ủng và đeo mặt nạ.
"Không có sự chuẩn bị trước về những việc phải làm với bệnh nhân này, không có quy định, không có hệ thống", bà Burger nói. Thậm chí đến hôm nay, theo ông, một số nhân viên bệnh viện vẫn không có thiết bị thích hợp để xử lý với dịch bệnh.
76 nhân viên y tế phơi nhiễm
Wendell Watson, phát ngôn viên bệnh viện Presbyterian, không bình luận về các cáo buộc trên nhưng cho biết họ không nhận được khiếu nại nào tương tự.
"An toàn của bệnh nhân và nhân viên là ưu tiên lớn nhất của chúng tôi, chúng tôi tuân thủ rất nghiêm ngặt", ông nói. "Chúng tôi có rất nhiều biện pháp để cung cấp một môi trường làm việc an toàn, trong đó việc đào tạo bắt buộc thường niên và đường dây nóng 24/7, cùng nhiều cơ chế khác cho phép trình báo các sự việc nặc danh".
Ông khẳng định bệnh viện sẽ "cân nhắc và hồi đáp bất cứ quan ngại nào từ các y tá và toàn thể nhân viên".
Các y tá của bệnh viện Presbyterian cho biết họ đã được ban lãnh đạo cảnh báo không được phát ngôn với truyền thông, nếu không sẽ bị sa thải.
David R. Wright, một quan chức của Trung tâm Chăm sóc và Hỗ trợ Y tế cho biết cơ quan này sẽ tiếp nhận tất cả thông tin từ các y tá.
Có 76 người tại bệnh viện Presbyterian có thể đã bị phơi nhiễm với Duncan. 48 người khác đang được theo dõi vì tiếp xúc với bệnh nhân này trước khi anh nhập viện.
Theo Anh Ngọc