Sự việc bà L và ông T kéo nhau ra tòa đã khiến cho đám con cháu vô sửng sốt vì từ trước đến nay, trong mắt gia đình, ông bà là tấm gương điển hình về tình yêu vượt thời gian. Chưa bao giờ, đám con cháu thấy ông bà to tiếng cãi cọ với nhau, cũng chưa bao giờ chúng thấy ông bà rời nhau được 1 ngày.
Hễ có việc đi đâu, ông, bà cũng nhanh nhanh chóng chóng trở về với nửa kia của mình. Ngay cả khi các con đã yên bề gia thất , có người xây dựng kinh tế ở tỉnh xa, thỉnh thoảng muốn đón các cụ đến chơi dăm bữa nửa tháng, nhưng hễ đi thì 2 cụ phải đi cùng nhau, còn không thì sẽ không có chuyện ông hoặc bà đi chơi để nửa kia lọ mọ một mình ở nhà.
Ấy thế mà, vào một ngày mây mù bao phủ, hai cụ lại nằng nặc kéo nhau ra tòa ly dị
Trước tòa, cả 2 cụ lại khiến cho đám con cháu phải há hốc miệng khi thấy các cụ thi nhau kể tội của đối phương trước công đường.
Ông thì bảo bà “xấu tính, ích kỷ khiến ông mất mặt với anh em bạn bè bao năm nay...” Còn bà thì bảo ông “bất tài, vô dụng khiến bà phải khổ sở một mình lo liệu nuôi con ăn học trưởng thành...”
Cứ như thế, suốt cả thời gian cho phép của quý tòa, hai ông bà không ai chịu ai nấy nửa lời. Tất cả những lỗi lầm nhỏ, những bức xúc dồn nén của 50 năm chung sống, ngày hôm nay, ông bà đều mang ra để kể vạch tội nhau, thóa mạ nhau.
Tuy nhiên, khi chủ tọa đặt câu hỏi: “Nếu chỉ vì những chuyện như vậy, tại sao bao nhiêu năm qua các cụ vẫn bỏ quá cho nhau để chung sống hòa thuận. Bây giờ, tuổi đã già, con cháu đã trưởng thành, các cụ lại muốn đường ai nấy đi ?” Tức thì, cả 2 cụ đều im lặng, và khẽ cúi đầu.
Sau đó, phải mất đến vài phút, cụ ông mới thành thực cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến quyết định chia tay này là vì chiếc bao cao su.
Chẳng là, 1 năm về trước, các con các cháu muốn báo hiếu với ông bà, bố mẹ nên đã chung tiền để xây lại căn nhà cho bố mẹ. Vì thế, căn nhà bằng gỗ cũ của 2 cụ đã bị dỡ bỏ. Khi việc xây nhà đã hoàn tất, chỉ còn lại đống gỗ bị mối mọt, và ít luồng cũ phơi ngoài góc vườn, bà mới ra thu dọn thì phát hiện trong ống luồng cũ có vài chiếc ... bao cao su.
“Vậy là bà ấy bù lu bù loa, cho rằng tôi đã “léng phéng” ở ngoài nên mới trữ bao cao su trong ống luồng gác trên hiên nhà.
Tôi ra xem, thì quả thực là loại bao cao su rất cũ và rõ ràng không phải của tôi. Nhưng tôi không làm cách nào để minh oan cho mình vì bà ấy rất gay gắt và cương quyết. Rồi bà ấy nói tôi không ra gì suốt ngày này qua ngày khác. Vì thế tôi quyết định phải ly hôn”.
Nghe đến đây, đám con cháu mới ồ lên. Còn anh con út thì đứng phắt dậy và xin phép được nói. Bởi số bao cao su đó là của anh.
Anh cho biết, khi còn hoạt động trong đoàn thanh niên tình nguyện của phường, anh đã được tặng một lượng bao cao su, nhưng vì không có nhu cầu sử dụng nên đã nhét lên ống luồng trước hiên nhà và quên mất từ đó. Vì thế, khi những nghi ngờ được giải tỏa, ông bà lại quyết định trở lại chung sống hòa thuận với nhau.
Kể tội vợ bằng 6 trang A4
Cũng kéo nhau ra tòa khi đã ở độ tuổi khá cao, (cụ bà sinh năm 1945, cụ ông sinh năm 1934) cả 2 cụ N và K không những khiến cho đám con cháu mà ngay cả cả hội đồng xét xử, tòa án nhân dân quận Hoàng Mai cũng phải bất ngờ.
Lý do là bởi, khi bà quyết nộp đơn ra tòa đòi ly dị thì ông cũng gửi đến tòa một “tấu chương” dài 6 trang A4 để kể tội cụ bà.
Khi phiên tòa được mở ra. Trước mặt hàng chục con cháu, chút chít, và hội đồng xét xử. Cụ ông vẫn không ngại nhắc lại những tội lỗi của bà mà ông đã đúc kết được sau hơn 40 năm chung sống bằng chất giọng sang sảng.
Nào là, “bà ấy cậy mình là người Hà Nội gốc nên coi tôi không ra gì, lúc nào cũng coi thường tôi, đối xử với tôi và anh em họ hàng của tôi một cách tệ bạc. Đã vậy, bà ấy đến với tôi cũng không phải tình yêu, khi lấy tôi, bà ấy vẫn mang lòng yêu thương người khác ...Tôi đã chịu đựng mấy chục năm nay. Bây giờ, khi đã ở độ tuổi gần đất xa trời, tôi không thể cố gắng thêm được nữa”.
Nghe những lời “buộc tội” từ phía ông, bà không nói không rằng mà chỉ cười khẩy. Khi tòa hỏi thì bà chỉ nhất nhất một lời “xin được ly hôn”.
Sau đó, thuận theo mong muốn của đôi bên, tòa đã chấp thuận để 2 cụ được ly hôn. Từ đó, căn nhà 50m2 cũng được ngăn đôi. Điều này đồng nghĩa với cảnh, từ nay con cháu các cụ không còn thấy hai cụ ngồi bên mâm cơm bón cho nhau từng thìa, từng thìa thức ăn như trước.
Theo Minh Anh