Đó là đánh giá của ông Trần Anh Tuấn, Phó GĐ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM tại tọa đàm “Đại học không phải là con đường duy nhất” nằm trong chương trình Ngày hội Hướng nghiệp - Dạy nghề do Thành đoàn TPHCM tổ chức ngày 5/4.
Ông Trần Anh Tuấn cho hay, từ nay đến năm 2020, mỗi năm TPHCM sẽ có 270.000 chỗ làm mới, trong đó nhu cầu trình độ lao động đại học chỉ chiếm 12%; trình độ cao đẳng chiếm 13%; trung cấp 35%, còn lại là công nhân và sơ cấp kỹ thuật.
Nhu cầu nhân lực dành cho trình độ ĐH mỗi năm ở TPHCM không quá 33.000 chỗ việc làm, nhưng có đến gần 80.000 sinh viên tốt nghiệp hàng năm tại TPHCM từ các trường ĐH. Đó là chưa kể lượng sinh viên tốt nghiệp ĐH từ các địa phương khác đổ về TPHCM xin việc.
Cũng theo ông Tuấn, cử nhân ra trường thất nghiệp có 3 nguyên nhân là kinh tế khó khăn, phát triển chậm nên việc làm bị thu hẹp; hoạt động hướng nghiệp chưa toàn diện; chưa giúp học sinh chọn nghề phù hợp dẫn đến hệ quả ngành thiếu ngành thừa. Đây còn là hậu quả một thời gian dài việc đào tạo chưa gắn liền với nhu cầu nhân lực, chúng ta tập trung đào tạo trình độ ĐH mà chưa chú trọng mảng nghề.