1. Tái tạo xương từ gỗ
Các nhà khoa học ở Viện Khoa học và Công nghệ Đồ gốm (Ý) đã tìm ra một kỹ thuật mới để tái sinh xương bị gãy rất độc đáo: đó là sử dụng những miếng gỗ nhỏ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng một số loại gỗ, như gỗ sồi đỏ, có kết cấu xốp rất giống xương người.
Các bác sĩ có kế hoạch dùng những miếng gỗ nhỏ để kích thích quá trình phục hồi của cơ thể. Bởi vì với các kết cấu xốp của gỗ, xương sống dự kiến sẽ phát triển nhanh hơn so với titan hoặc cấy ghép gốm truyền thống, giảm thời gian cần để gắn liền một xương bị gãy.
Phương pháp tái tạo xương độc đáo này đã được thử nghiệm thành công ở loài cừu và hy vọng sẽ sớm được thử nghiệm trên người.
2. Liệu pháp từ trường chống trầm cảm
Một chiếc mũ điện từ có thể giúp hàng triệu người bị trầm cảm vượt qua được bệnh tật mà không cần dùng thuốc chống suy nhược.
Số là các nhà khoa học đã tìm ra liệu pháp kích thích từ trường xuyên sọ NeuroStar giúp truyền từ trường vào vỏ não của bệnh nhân, vốn là một phần não điều chỉnh các trạng thái tình cảm của con người.
Liệu pháp này có tác dụng kích thích các neuron thần kinh sản sinh ra nhiều chất giúp cải thiện trạng thái tinh thần.
Sau các lần điều trị kéo dài 30-40 phút mỗi ngày, khoảng 1/2 bệnh nhân trong cuộc thử nghiệm lâm sàng liệu pháp này đã giảm đáng kể các triệu chứng trầm cảm và 1/3 cho biết đã phục hồi hoàn toàn, theo công ty Neuronetics.
Kể từ giữa năm 2009, liệu pháp từ trường chống trầm cảm đã được phổ biến ở 31 bang của Mỹ.
3. Máy trợ thính Lyric
Một loại máy trợ thính mới do các nhà khoa học Mỹ chế tạo đã không còn gây phiền hà cho bệnh nhân khiếm thính với những rắc rối thường hay gặp như pin yếu, phải lấy máy ra trước khi đi tắm hoặc đi ngủ…
Máy trợ thính Lyric, do công ty InSound Medical của Mỹ sản xuất, giúp tránh khả năng phải mổ ghép máy nhờ nó có thể cất giấu ẩn bên trong ống tai.
Thiết bị này có thể được sử dụng suốt 24 giờ mỗi ngày mà không cần lấy ra. Thế nhưng, nó cần được thay thế 3-4 lần mỗi năm. Mỗi lần cần lấy máy ra, người sử dụng chỉ việc lấy thanh nam châm đưa vào tai.
Hiện tại, có khoảng 3.500 người mang máy trợ thính Lyric và số người sử dụng thiết bị này đang ngày càng gia tăng.
4. Lưỡi điện tử
Là công trình của Giáo sư Dean Neikirk, một chuyên gia trong lĩnh vực máy tính và điện tử tại trường Đại học Austin, bang Texas (Mỹ). Khi các công ty thực phẩm nổi tiếng ở Mỹ muốn tung ra thị trường một sản phẩm mới hợp khẩu vị của người tiêu dùng, họ đều tìm đến với thiết bị lưỡi điện tử để kiểm tra và bổ sung các thành phần cho hợp khẩu vị người tiêu dùng.
Để có được khả năng nhận biết khẩu vị này, các nhà sáng chế đã chế tạo chiếc lưỡi điện tử có sử dụng các thiết bị cảm biến siêu nhỏ (microspheres). Chúng giúp nhận biết khi nào khẩu vị đạt đến mức chuẩn, và biểu hiện bằng cách thay đổi màu sắc hiển thị.
Mặc dù chúng không thể thay con người nói rằng "hương vị này thật tuyệt!", song có thể chắc chắn rằng thành phần trong thực phẩm có hương vị đáng tin cậy.
5. Băng gạc thông minh
Đây là loại băng gạc “2 trong 1”, nó vừa có thể băng kín vết thương vừa giúp giảm đau hiệu quả. Được làm từ các sợi chitosan và thành phần giúp đông máu chiết xuất từ vỏ tôm, Celox có thể thấm được nhiều máu gấp 16 lần so với băng gạc thông thường.
Đối với những bệnh nhân bị bỏng, nhân viên y tế chỉ cần băng vết thương, sau đó cho thấm nước để chuyển băng gạc thành gel, điều này giúp giảm nhanh nhiệt độ vết bỏng.
6. Khẩu trang trực tiếp diệt khuẩn
BioMask là loại khẩu trang không những có tác dụng ngăn chặn virus và vi khuẩn độc hại xâm nhập vào cơ thể qua miệng, mũi mà còn có tác dụng giống như thuốc kháng sinh diệt khuẩn.
BioMask được cấu tạo từ sợi cellulose chống virus, mặt khác chất kẽm và đồng bên trong khẩu trang có khả năng tiêu diệt virus bằng cách phá hủy thành tế bào của chúng, giúp bạn không còn hít phải những vi khuẩn và lan rộng ra các vùng xung quanh cơ thể.
Các cuộc thử nghiệm cho thấy BioMask tiêu diệt được hơn 99,9% virus gây cúm trong vòng 1 phút và tiêu diệt sạch chúng sau 10 phút. Trong khi đó với các loại khẩu trang thông thường thì vẫn còn khoảng 50.000 vi khuẩn tung hoành.
Hơn nữa, khẩu trang có thể dùng được nhiều lần. Hiện BioMask đã có mặt ở Hong Kong và châu Âu.
7. Keo dán xương thông minh
Lâu nay với các cuộc phẫu thuật ở lồng ngực như phẫu thuật mở tim, các bác sĩ thường phải cắt xương ức. Điều này khiến bệnh nhân không chỉ đau đớn mà còn mất thời gian để xương lành lặn trở lại. Mới đây, các nhà khoa học ở trường Đại học Calgary (Canada) đã phát minh một loại keo thông minh giúp xương nhanh lành hơn nhiều lần.
Loại keo dán này có tên gọi là Superman-strength, nó có thể được dùng gắn ở xương ức chỉ sau vài giờ phẫu thuật, nhờ vậy mà giúp vết cắt nhanh lành và giảm đau đớn nhanh chóng. Thử nghiệm ở 20 người cho thấy, họ chỉ mất vài ngày để xương lành lại bình thường thay vì phải mất vài tháng so với phương pháp thông thường.