68 năm ngày thành lập báo Tiền Phong: Sơn Tùng và Bích Hậu

0:00 / 0:00
0:00
68 năm ngày thành lập báo Tiền Phong: Sơn Tùng và Bích Hậu
TP - Nhà văn Sơn Tùng và nhà báo Bích Hậu là những phóng viên của báo Tiền Phong thời kỳ đầu thành lập. Xin được ghi lại một câu chuyện giữa hai nhà báo kỳ cựu của Tiền Phong trong lần đi tác nghiệp cách đây vài thập kỷ, để nhớ về người của Tiền Phong một thuở, một thời…

Nhà văn Sơn Tùng mới mất được hơn trăm ngày, sau mười năm chống chọi với bệnh tật. Khi nhà văn vừa mất, trong một lần tới báo Tiền Phong, nhà báo Nguyễn Bích Hậu bồi hồi kể cho tôi kỷ niệm với nhà văn Sơn Tùng, người đồng nghiệp, đồng hương mà bà quý mến.

Nhà báo Bích Hậu kể, cuối năm 1961, nữ phóng viên trẻ Bích Hậu được báo Tiền Phong cử đi học lớp Báo chí Tuyên huấn (thuộc địa điểm nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Lớp học trên có hơn một trăm học viên, chia làm 5 chi. Bích Hậu được điều về chi 5, do nhà báo Bùi Sơn Tùng làm chi trưởng.

68 năm ngày thành lập báo Tiền Phong: Sơn Tùng và Bích Hậu ảnh 1

Nhà báo Bích Hậu kể kỷ niệm trong lần tác nghiệp với nhà văn Sơn Tùng. Ảnh: KIẾN NGHĨA

Do cùng quê Nghệ An nên hai phóng viên Sơn Tùng và Bích Hậu trở nên thân nhau. Sau một năm học tập, đến cuối năm 1962, phóng viên Sơn Tùng chuyển về báo Tiền Phong làm việc.

“Từ tình đồng hương, nay lại làm việc cùng cơ quan, hai chúng tôi càng thêm thân thiết, nhất là sau một số chuyến được đi tác nghiệp cùng nhau” - Nhà báo Bích Hậu cho biết.

Sau khi vào chiến trường miền Nam tham gia thành lập và làm tờ báo“Thanh niên Giải phóng”, năm 1971 phóng viên Sơn Tùng bị thương nặng, được chuyển ra Bắc chữa trị. Khi ra viện, ông trở lại báo Tiền Phong tiếp tục làm việc và nghỉ hưu năm 1979. Sau khi nghỉ hưu, Sơn Tùng viết thiểu thuyết “Búp sen xanh” và nhiều tác phẩm văn học khác. Năm 2011, nhà văn Sơn Tùng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Thiếu nhất là “cái chữ”

Một trong những chuyến tác nghiệp cùng nhau khiến nhà báo Bích Hậu nhớ mãi, đó là lần công tác tại vùng núi Lũng Cú (Hà Giang) năm 1967. Năm đó, báo Tiền Phong cử phóng viên Sơn Tùng và Bích Hậu về Hà Giang công tác để viết về đời sống của người dân nơi đây, trong đó chú trọng đến việc phòng chống ma túy, phá bỏ cây thuốc phiện tại tỉnh miền núi này.

Hôm đó, trên đường vào bản, phóng viên Sơn Tùng thấy một số người dân đứng hái chè trên một vùng đồi xanh bát ngát. Nhìn bà con hăng say làm việc trong khung cảnh đẹp, Sơn Tùng vội lấy máy ảnh, “ngó nghiêng” đủ mọi góc độ rồi bấm máy. Thời đó, phải là những chuyến đi quan trọng phóng viên mới được tòa soạn cho mang theo máy ảnh, và phim ảnh cũng rất hiếm nên khi chụp phải thật cẩn thận để tránh bị hỏng. Vừa bấm xong kiểu ảnh, một thanh niên cao to từ đâu bất ngờ xuất hiện, giơ tay gạt chiếc máy ảnh trên tay Sơn Tùng với thái độ khá dữ dằn.

Không để hai phóng viên kịp trình bày, người thanh niên này lấy chiếc dây thừng đeo bên hông rồi buộc cánh tay trái của Sơn Tùng với tay phải của Bích Hậu vào nhau để giải đi. Trên quãng đường dài đầy đá nhấp nhô, người thanh niên cầm dao quắm đi trước, dẫn hai phóng viên về bản. Đi được một quãng xa, thấy chân Bích Hậu bị rộp, mồ hôi ướt đầm gương mặt, Sơn Tùng động viên: “Gắng bước đi em, có hiểu lầm gì thôi”.

Sau quãng đường dài, cả ba tới một ngôi nhà sàn dưới chân núi. Một già bản dáng cao to, cỡ ngoài 60 tuổi bước ra, khá bất ngờ trước tình cảnh này. Sau khi được cởi dây buộc tay, phóng viên Sơn Tùng và Bích Hậu trình giấy giới thiệu cùng thẻ nhà báo cho người trưởng bản.

Sau khi đọc nội dung, người trưởng bản vội nói: “Xin lỗi hai nhà báo. Dân bản chúng tôi hiện đang thực hiện chỉ đạo nâng cao cảnh giác, trong khi anh dân quân lại không biết chữ nên dẫn đến hiểu lầm này”. Trong quá trình trao đổi, người trưởng bản tâm sự: “Đời sống của dân bản hiện còn khó khăn, lạc hậu. Dân bản chúng tôi thiếu nhiều thứ, nhưng thiếu nhất vẫn là thiếu cái chữ”.

Trong quá trình công tác tại đây, hai phóng viên Sơn Tùng, Bích Hậu thu thập được nhiều thông tin về cuộc sống của người dân nơi đây để viết bài phản ánh, đồng thời vận động bà con địa phương từ bỏ việc trồng cây thuốc phiện. Vào một ngày, khi hai phóng viên đang ngồi trao đổi với trưởng bản thì phóng viên Sơn Tùng nhận được tin cần về Hà Nội để nhận nhiệm vụ mới.

Theo điều động của Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), phóng viên Sơn Tùng được điều vào chiến trường miền Nam để tham gia thành lập tờ báo Thanh niên Giải phóng. Hôm chia tay, phóng viên Sơn Tùng nói với Bích Hậu: “Các anh vào miền Nam tham gia đánh Mỹ. Em ở miền Bắc làm việc tốt vì hậu phương của miền Nam ruột thịt nhé”. “Lời nói đó khiến tôi nhớ mãi, dù đến nay đã hơn nửa thế kỷ rồi”- Nhà báo Bích Hậu bồi hồi.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.