68% ca mắc COVID-19 ở Hà Nội không có triệu chứng

68% ca mắc COVID-19 ở Hà Nội không có triệu chứng
TPO - “Qua thực tế phân tích dịch tễ học, các ca bệnh của Hà Nội có 68% không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ thoáng qua. Do đó, nếu dựa vào triệu chứng lâm sàng thì khả năng bỏ sót đến 2/3, chỉ có khả năng phát hiện 1/3. Đây là tính chất hết sức phức tạp của dịch bệnh này”, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội nói.

Sáng 13/4, báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố Hà Nội, Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, qua việc giám sát, xét nghiệm đã lần ra đầu mối lây lan dịch trong cộng đồng. Đây là một chiến lược của Hà Nội mà chúng ta đã thực hiện ngay từ đầu là giám sát, phát hiện sớm, xét nghiệm để phát hiện sớm ca bệnh.

 Qua thực tế phân tích dịch tễ học, các ca bệnh của Hà Nội có 68% không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ, thoáng qua. Do đó, nếu dựa vào triệu chứng lâm sàng thì khả năng bỏ sót đến 2/3, chỉ có khả năng phát hiện 1/3. Đây là tính chất hết sức phức tạp của dịch bệnh mới này.

 “Dù không có triệu chứng nhưng khả năng lây lan vẫn còn nguyên nên việc giám sát, phát hiện dựa vào xét nghiệm là phần rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch”, ông Cảm nói.

 Theo ông Cảm, với nhận định sơ bộ như vậy, nếu thời gian vừa qua, thành phố không quyết liệt triển khai các biện pháp giám sát, khoanh vùng thì khả năng dịch lây lan rộng, bùng phát trên địa bàn là hoàn toàn có thể.

 Về giới tính, theo ông Cảm, qua phân tích nhanh 110 trường hợp mắc thì có 67% là nữ và 23% là nam. Đây cũng là một đặc điểm và dù số mẫu chưa nhiều nhưng nữ chiếm 2/3 và nam chiếm 1/3.

 Về triển khai test nhanh, có 14.000 mẫu, đã triển khai được 12.000 mẫu. Qua đánh giá nhanh test này thì đã lấy 128 mẫu test nhanh ở Mê Linh, đồng thời, lấy mẫu làm RT-PCR thì 2 kết quả tương đồng nhau, tức 128 đều âm tính. Tiếp theo triển khai 277 mẫu test nhanh tại Bệnh viện Thận thì làm làm RT-PCR cũng âm tính. Tổng số đã có 405 mẫu âm tính thì RT-PCR cũng âm tính.

 Tuy nhiên, có triển khai trên một số bệnh nhân dùng RT-PCR dương tính thì test nhanh lại âm tính. Suy ra rằng, những trường hợp này mới mắc nên chưa có kháng thể.

 “Như vậy, test nhanh là công cụ sàng lọc cộng đồng cần thiết, bởi vì, trả lời kết quả nhanh, chi phí thấp, có thể sàng lọc tại cộng đồng. Tuy nhiên những trường hợp nghi ngờ vẫn phải làm bằng RT-PCR và căn cứ vào dịch tễ để làm cho chính xác”, ông Cảm nói.

 Về tình hình trong 3 tháng qua, ông Cảm cho biết, ngay từ tháng 1 đến nay, thành phố đã thực hiện nghiêm các biện pháp, chỉ đạo của Thủ tướng, Ban chỉ đạo T.Ư. Hà Nội làm quyết liệt, luôn cao hơn 1 bậc do địa bàn phức tạp dân số đông, người từ vùng khác về nhiều, việc kiểm soát khó khăn, hầu hết 2/3 không có triệu chứng. Tuy nhiên, thành phố đã chủ động phát hiện, bao vây, khoanh vùng và sự hỗ trợ của người dân.

 “Đến nay, đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch nhưng Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã chuyển sang giai đoạn dịch lây lan trong cộng đồng nên chiến lược phòng chống có thay đổi. Giai đoạn đầu ngăn chặn, giai đoạn 2 cách ly, khoanh vùng, bao vây kịp thời. Hiện nay, giai đoạn dịch lây lan ra cộng đồng ở phạm vị hẹp, nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống, đặc biệt cách ly, giãn cách ly xã hội thì việc duy trì thành quả rất khó khăn. Việc thực hiện cách ly xã hội cần phải tiếp tục thực hiện, nghiêm túc”, ông Cảm nói.

 Trước đó, theo báo cáo của Giám đốc Sở Y tế Hà nội Nguyễn Khắc Hiền, tính đến 17h ngày 12/4, trên địa bàn thành phố có 110 ca mắc, trong đó, 51 trường hợp đã khỏi ra viện, 59 trường hợp đang điều trị.

 Cụ thể gồm: 40 ca được phát hiện tại sân bay, khu cách ly tập trung, chưa về cộng đồng. 70 ca được phát hiện tại cộng đồng, trong đó, 10 trường hợp có liên quan đến ổ dịch tại thôn Hạ Lôi (Mê Linh).

Đáng chú ý tại ổ dịch thôn Hạ Lôi từ ca bệnh 243 có liên quan đến yếu tố Bệnh viện Bạch Mai. Hiện ổ dịch đã ghi nhận 10 trường hợp mắc, trong đó, bệnh nhân 254 đã chạy thận tại Bệnh viện Thận Hà Nội và có tiếp xúc gần với một số nhân viên y tế, bệnh nhân khác.

Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế, trong số 10 trường hợp mắc ở thôn Hạ Lôi gồm xóm Bàng 5 trường hợp, xóm Hội 3 trường hợp, xóm Đường 1 trường hợp, xóm Cầu 1 trường hợp.

Cơ quan chức năng đã khoanh vùng cách ly toàn bộ thôn trong vòng 28 ngày và đã lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp F1 gồm 466 trường hợp.

Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc 10.013 người dân, đã có kết quả 3.136 mẫu, trong đó, có 1 mẫu dương tính là BN 260 còn lại âm tính.

Bộ Y tế đã cử PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện VSDT T.Ư cùng 1 đội đáp ứng nhanh của CDC Hà Nội đã được tăng cường hỗ trợ cho huyện Mê Linh trong suốt thời gian khoanh vùng, xử lý ổ dịch.

Lãnh đạo Sở Y tế đánh giá tình hình ổ dịch tại thôn Hạ Lôi rất phức tạp với 10 trường hợp mắc, nhiều trường hợp có liên quan, trong đó, có các trường hợp là nhân viên y tế, vì vậy có nguy cơ lây nhiễm cao cho cộng đồng. Dự báo, trong thời gian tới có thể có nhiều trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng.

Đối với việc xử lý, phòng chống dịch tại Bệnh viện Thận Hà Nội, theo Sở Y tế, đã thiết lập khu vực cách ly tại Bệnh viện và khử khuẩn toàn bộ môi trường tại đây. Triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người bệnh, cán bộ y tế bệnh viện. Toàn bộ số nhân viên của bệnh viện có liên quan đã được lấy mẫu và kết quả âm tính. Triển khai biện pháp cách ly người bệnh và cán bộ y tế của bệnh viện. 28 nhân viên y tế F1 đã được lấy mẫu và chuyển đến cách ly tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng- An ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.