65 năm lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam

Đại đội TNXP 20/12 miền Nam lấy thân mình làm trụ cầu để đồng đội tải thương binh. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Đại đội TNXP 20/12 miền Nam lấy thân mình làm trụ cầu để đồng đội tải thương binh. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
TP - Ngày 15/7/1950, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Đoàn Thanh vận Trung ương quyết định thành lập Đội Thanh niên xung phong (TNXP) công tác Trung ương đầu tiên phục vụ chiến dịch Biên Giới. Đây được coi là ngày thành lập Lực lượng TNXP Việt Nam.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, có  khoảng gần nửa triệu lượt người đã tham gia Thanh niên Xung phong, chủ yếu chiến đấu trên các cung đường vận tải chiến lược, tải đạn, tải thương, tải lương, rà phá bom mìn… ở các chiến trường, trong đó có Điện Biên Phủ và các cung đường lửa từ miền Bắc cho đến các tuyến đường Trường Sơn, chiến trường miền Nam, chiến trường Lào, Campuchia. Họ đã đổ nhiều xương máu và mồ hôi cho sự thông suốt của các tuyến đường để bộ đội, lương thực, vũ khí tới chiến trường.

Hàng chục nghìn người trong số đó hi sinh và bị thương, hàng vạn người khác nhiễm chất độc da cam. Nhiều trận chiến đấu, nhiều tấm gương hi sinh của họ trở thành huyền thoại, chói sáng và để lại niềm tự hào, cảm phục đến mai sau, như ở cầu Nà Cù (thôn Nà Tu, Bắc Kạn), Ngã ba Cò Nòi (Sơn La), đường 20 Quyết Thắng (Quảng Bình), ga Lưu Xá (Thái Nguyên), cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), Truông Bồn (Nghệ An), Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Ga Gôi (Nam Định), Núi Nấp (Thanh Hóa),  đường 1C (Nam Bộ)…

Qua từng thời kỳ, để đáp ứng nhu cầu thực tế của tình hình đất nước, lực lượng thanh niên xung phong đã nhiều lần đổi tên:

Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương (15/7/1950)

Đội Thanh niên xung phong (26/3/1953)

Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương (12/1963)

Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước (21/6/1965)

Lực lượng Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam (20/4/1964)

Ban Thanh niên xung phong - Lao động trẻ (3/1986)

Lịch sử TNXP Việt Nam có thể chia ra các giai đoạn:

* Thanh niên xung phong trong kháng chiến chống thực dân Pháp (thời kỳ 1950 - 1954).

* Thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (thời kỳ 1965 - 1975)

* Thanh niên xung phong khôi phục và phát triển kinh tế miền Bắc (thời kỳ 1955 - 1964).

* Thanh niên xung phong tham gia phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng (thời kỳ từ 1976 đến nay).

Các phần thưởng và danh hiệu cao quý trao tặng Lực lượng TNXP Việt Nam

- Huân chương Độc lập hạng Nhất, năm 1978

- Huân chương Hồ Chí Minh, năm 1997

- Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, 
năm 1997

- 53 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng (36 tập thể Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, 17 tập thể Anh hùng Lao động)

- Trên 100 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động

MỚI - NÓNG
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
TPO - Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 19/12 đến 22/12/2024 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại, trong đó có những sản phẩm mới sản xuất gần đây sẽ được trưng bày.