64 năm ngày Bộ đội Biên phòng - Bài 1: Tình cây và đất

0:00 / 0:00
0:00
TP - Có người ví tình cảm giữa lực lượng biên phòng và người dân vùng biên như đất với cây. Thiếu đất, cây không thể tồn tại. Thiếu cây, đất chỉ là những sa mạc cằn cỗi.

Những người “đỡ đầu” thầm lặng

Hà Tĩnh, những ngày đầu tháng 3 vẫn rét căm căm. Mưa bay lất phất dưới bầu trời giăng kín mây. Đã hơn 10 giờ sáng vẫn chưa nhìn thấy bóng mặt trời. Trên con đường mòn duy nhất dẫn tới xã Hương Liên (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), xe của chúng tôi khó nhọc vượt qua những lớp đất, đá và bùn nhão nhoét, hướng tới đích đến là Đồn Biên phòng Bản Giàng (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh).

Hơn 20 năm qua, các chiến sĩ biên phòng nơi đây đã nếm đủ mọi hương vị chua, cay, mặn, đắng của sự khắc nghiệt và nghèo khó tại một xã vùng biên, chỉ để đổi lại một điều: sự ấm no và hạnh phúc của người dân. Có người ví tình quân dân nơi đây như đất với cây. Thiếu đất, cây không thể tồn tại. Thiếu cây, đất chỉ là những sa mạc cằn cỗi.

Với sự “đỡ đầu” của lực lượng bộ đội biên phòng, xã Hương Liên đã có những bước trở mình đáng khen ngợi qua hai thập kỷ. Chủ tịch UBND xã Hương Liên Đinh Văn Sánh chia sẻ, ở khía cạnh nào cũng thấy dấu ấn của những chiến sĩ biên phòng Bản Giàng. Về mặt cơ sở hạ tầng, Bộ đội Biên phòng giúp đỡ xã xây dựng thêm nhiều nhà ở theo tiêu chuẩn nông thôn mới và các công trình phụ trợ, cải tạo những ngôi nhà chưa đạt tiêu chuẩn.

Về kinh tế, chính lực lượng quân hàm xanh vận động người dân thay thế những loại cây tạp truyền thống như tre, cọ bằng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như bưởi, cam, ổi… và giao cho dân hơn 700 héc-ta rừng sản xuất để trồng keo, lợi nhuận ước tính 50 triệu/héc-ta. Trong năm qua, tổng sản lượng lương thực của xã Hương Liên đạt 708,5 tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về y tế, các chiến sĩ biên phòng Bản Giàng đã hỗ trợ xã Hương Liên xây một trạm quân dân y vào năm 2013, có hai cán bộ biên phòng túc trực 24/24. Toàn bộ việc khám, chữa bệnh cho người dân đều miễn phí. Nếu gặp ca bệnh nghiêm trọng, các chiến sĩ sẽ sơ cứu tạm thời rồi chở người bệnh vượt quãng đường hơn 30 cây số tới Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê cấp cứu.

64 năm ngày Bộ đội Biên phòng - Bài 1: Tình cây và đất ảnh 1

Ấm tình quân dân

Theo anh Đinh Văn Sánh, nhìn lại điểm khởi đầu của xã Hương Liên mới thấy được hết công lao của những chiến sĩ biên phòng Bản Giàng. Khó khăn nhất có lẽ là ở bản Rào Tre, nơi cư dân hầu hết là người Chứt - dân tộc thiểu số trước kia sống trong rừng sâu và hang đá, có nhiều phong tục, tập quán lạc hậu. Ví dụ, nhiều hộ gia đình từ chối xây nhà vệ sinh khép kín mà vẫn muốn “đi” ở ngoài vườn như thói quen. Một số hộ không chịu từ bỏ cây tre, cây cọ để chuyển sang trồng bưởi, cam, ổi. Già, trẻ, gái, trai trong bản, ai cũng thích uống rượu rồi mở nhạc nhảy nhót thâu đêm, và sau đó ngủ một mạch đến trưa mới dậy.

Vì vậy, ngoài sự giúp đỡ tận tình, cũng không thể thiếu sự kỷ luật của quân đội, cứ đến giờ đi làm, đi học, ăn cơm hoặc tắm giặt, các chiến sĩ biên phòng sẽ mang kẻng đi đánh quanh bản để giục người dân sinh hoạt đúng giờ. Hay mỗi lần phát gạo hỗ trợ xong, bộ đội phải đi kèm người dân đến tận nhà, không thì họ sẽ tạt vào đâu đó để đổi gạo lấy rượu.

64 năm ngày Bộ đội Biên phòng - Bài 1: Tình cây và đất ảnh 2

Quân và dân tuần tra bảo vệ cột mốc biên giới

Ngoài ra, đời sống dân trí cũng là một vấn đề nan giải. Theo Trung tá Nguyễn Văn Thiên, Tổ trưởng tổ công tác biên phòng bản Rào Tre, các chiến sĩ phải mất hơn 5 năm làm “thầy giáo” để xóa mù chữ cho dân bản. Sau đó, họ lại không ngừng vận động, tuyên truyền để người dân đưa con em tới trường. Vì trường học gần nhất của xã Hương Liên cũng cách bản Rào Tre hơn 10 cây số, mà không phải gia đình nào cũng có xe đưa đón con đi học. Và lúc đó chính các giáo viên vào tận bản để đưa đón học sinh của mình thay cha mẹ.

Những chiến sĩ dũng cảm

Tại những đồn biên phòng nằm ở vùng biển phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai là một trong những công tác được chú trọng nhất.

Đồn Biên phòng Quỳnh Phương đặt mục tiêu sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận, đặc biệt là giúp đỡ, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế biển và phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ. Những người lính quân hàm xanh nhủ lòng: Sống nhờ dân, vì dân, như cây và đất. Họ nguyện dành hết tâm sức của mình để dựng xây những tuyến biên cương bình yên và thịnh vượng.

Kỷ niệm mà các chiến sĩ của Đồn Biên phòng Quỳnh Phương (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh) tại thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An nhớ nhất có lẽ là trận mưa lớn xảy ra vào tháng 10/2022.

Theo lời kể của Trung tá Nguyễn Tư Hóa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Quỳnh Phương, trận mưa đó khiến bốn ngôi nhà trên một triền đồi bị sạt lở nặng, có nguy cơ sập.

Nhận được tin báo, đồn biên phòng đã huy động gần như tất cả các chiến sĩ tới hiện trường lúc 3 giờ sáng, chỉ để lại vài người trực ở đồn. Khi có mặt, không ai bảo ai, họ lặng lẽ mặc áo mưa rồi dựng các thanh gỗ làm kè để chống sạt lở. Mưa không ngớt, đất vẫn tiếp tục bị rửa trôi, nhà có thể sập xuống bất cứ lúc nào, nhưng không làm các chiến sĩ chùn bước. Họ vẫn miệt mài làm việc, mệt thì nghỉ tay uống ngụm nước, ăn miếng lương khô do người dân và cán bộ xã tiếp tế rồi làm tiếp. Gần 48 tiếng liên tục, cuối cùng mọi thứ cũng thành công tốt đẹp: bốn ngôi nhà đã được gia cố chắc chắn, người dân có thể tiếp tục vào ở và không xảy ra thiệt hại gì thêm.

“Câu chuyện ấy đến giờ vẫn được người dân phường Quỳnh Phương kể đi kể lại mỗi khi nhắc tới bộ đội biên phòng. Nếu không có sự giúp đỡ của họ thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi không biết nói gì hơn ngoài sự khâm phục và cảm kích dành cho các chiến sĩ biên phòng”, ông Nguyễn Chí Kiên, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Đồng Tiến (xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) nói.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG