60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2021):

60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển: Để vang mãi khúc tráng ca

0:00 / 0:00
0:00
Người dân đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản trên cảng Vũng Rô - Ảnh: CÔNG HOAN
Người dân đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản trên cảng Vũng Rô - Ảnh: CÔNG HOAN
TP - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cảng Vũng Rô (ở thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) là địa danh gắn liền với những chiến công hiển hách của đoàn tàu không số. Vùng đất ấy đang từng ngày đổi thay và trở thành “địa chỉ đỏ” cho thế hệ trẻ Phú Yên hôm nay.

Sức sống mới trên đất anh hùng

Nằm giữa vùng biển được che chắn bởi các dãy núi cao bao quanh cả 3 phía, cảng Vũng Rô (thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam) trở thành bến tiếp nhận vũ khí bí mật các chuyến tàu không số của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Từ năm 1964 - 1965, tàu 41 do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh (Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, hiện sống tại thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên) chỉ huy đã 3 lần vào bến Vũng Rô giao vũ khí cho chiến trường Khu 5, hoàn thành nhiệm vụ giao gần 200 tấn vũ khí và trở về an toàn.

Thôn Vũng Rô nằm trên tuyến quốc lộ dài khoảng 20km đi qua dãy núi Đèo Cả. Cung đường sơn thủy hữu tình theo dãy núi phía Tây hùng vĩ. Phía Đông là biển cả xanh ngắt tận chân trời với những ghềnh đá trắng nhấp nhô. Ngoài “rừng vàng, biển bạc”, những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi cùng hệ thống nhà hàng dịch vụ nhấp nhô thể hiện một sức sống căng tràn. Thiên nhiên còn ban tặng cho nơi này một vùng nước sâu, sóng lặng nên cảng Vũng Rô tấp nập tàu thuyền neo đậu. Những lúc sóng to gió lớn, tàu thuyền ngoài khơi cũng chọn Vũng Rô làm nơi tránh trú bão.

60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển: Để vang mãi khúc tráng ca  ảnh 1

Thế hệ trẻ Phú Yên tham gia chương trình về nguồn tại di tích tàu không số Vũng Rô Ảnh: THỤC HIỀN

Gặp ông Trần Đức Chín (53 tuổi, ở thị trấn Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa) tại bến tàu không số Vũng Rô, ông cho biết mình đã đến vùng biển này nuôi trồng thủy sản gần 20 năm rồi. “Gắn bó với nơi đây đã lâu, tôi cũng chứng kiến được vùng đất này thay đổi từng ngày. Trước đây, kinh tế của bà con phụ thuộc vào nghề đánh bắt, nay bà con biết làm lồng bè để nuôi tôm cá hoặc chuyển sang kinh doanh du lịch”, ông Chín cho hay.

Ông Nguyễn Hải Ninh - Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Nam, cho biết: Vũng Rô trước kia là một làng chài nhỏ, chỉ có vài ba hộ dân, bà con chủ yếu đánh bắt hải sản nhưng sản lượng thấp nên cuộc sống nhiều khó khăn. Thấy được tiềm năng của vùng quê núi non hùng vĩ và biển cả mênh mông, bà con từ nhiều nơi khác nhau đã về đây lập nghiệp. “Thôn Vũng Rô hiện có hơn 400 hộ dân, bà con tận dụng vùng biển gần bờ để nuôi trồng hải sản và phát triển du lịch. Vịnh biển ở đây tuy không lớn nhưng lại mang vẻ đẹp hiền hòa, dưới đáy biển là những rạn san hô nhiều màu sắc thu hút khách du lịch đến câu cá, tham quan và nghỉ dưỡng”, ông Ninh nói.

Ngày 28/9 vừa qua, tại Khu di tích lịch sử quốc gia Tàu không số Vũng Rô, Tỉnh Đoàn Phú Yên tổ chức chương trình dâng hương, thả vòng hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại bến tàu không số Vũng Rô. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021). Trước anh linh của các anh hùng liệt sĩ, thế hệ trẻ tỉnh Phú Yên đã bày tỏ lòng biết ơn trước tinh thần quả cảm, anh dũng, hy sinh của các thủy thủ tàu không số tại bến Vũng Rô.

Cũng theo ông Ninh, cảng Vũng Rô tiếp nhận được tàu chở xăng dầu có trọng tải lên tới 5.000 tấn. Tuyến quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua đây tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân. “Thời gian qua, vùng quê nghèo Vũng Rô đã có nhiều thay đổi tích cực. Thu nhập bình quân của người dân năm 2020 đã lên tới 39 triệu/hộ/ năm”, ông Ninh chia sẻ.

Kết nạp đoàn tại di tích lịch sử

Năm 1997, Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận Vũng Rô là Di tích lịch sử quốc gia và sau đó được Bộ Quốc phòng xây bia di tích đường Hồ Chí Minh trên biển. Đến di tích tàu không số Vũng Rô, trước mắt chúng tôi là một khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, có nhiều cây xanh.

Khu di tích lịch sử tàu không số - bến Vũng Rô với diện tích 10.000m2 lưu giữ lại những hình ảnh, tư liệu về những lần tàu vào tiếp tế vũ khí tại bến. Lâu nay Vũng Rô luôn là “địa chỉ đỏ” của thế hệ trẻ Phú Yên tìm về ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, lấy đó làm động lực để phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp hơn. Chị Trịnh Thị Bích Xinh - Bí thư Đoàn xã Hòa Xuân Nam, tự hào nói: “Tôi luôn tự hào là người con của mảnh đất Vũng Rô nơi lưu giữ chiến công oanh liệt của tàu không số. Để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, hàng năm Xã Đoàn Hòa Xuân Nam đều tổ chức nhiều hoạt động về nguồn tại di tích Vũng Rô để các em đoàn viên, thanh thiếu niên có cơ hội tìm hiểu về lịch sử hào hùng của cha anh”.

Vào các dịp lễ trong năm, tại di tích Vũng Rô đều có những hoạt động như về “địa chỉ đỏ” làm vệ sinh, trồng cây xanh trong khuôn viên di tích và uống nước nhớ nguồn, tri ân những người có công. Năm 2019, xã Hòa Xuân Nam đã kết nạp 15 đoàn viên tại di tích Vũng Rô. Trong năm 2020, Xã Đoàn Hòa Xuân Nam cũng đã tuyên dương cháu ngoan Bác Hồ tại đây và tổ chức trò chơi để các em tìm hiểu thêm về di tích lịch sử này.

“Những hoạt động đó hay và ý nghĩa, nó giúp các em hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc. Tự hào, vinh dự được sống trên mảnh đất này qua những hiện vật hiện có. Sắp tới, Xã Đoàn chúng tôi sẽ tổ chức nhiều chương trình hướng về nguồn đến với di tích tàu không số tại Vũng Rô”, chị Xinh cho hay.

MỚI - NÓNG