TPO - Trung Quốc vừa từ chối hàng trăm lô hàng thủy sản xuất khẩu vào nước này, trong đó có 55 lô hàng tôm sú Việt Nam.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, từ tháng 1/2020 đến tháng 1/2021, có 2.109 lô thực phẩm đã bị từ chối nhập khẩu vào nước này. Trong số này, 22% là thủy sản và các sản phẩm chế biến kèm theo (467 lô), tiếp theo là đồ uống, thịt và các sản phẩm từ thịt, gia vị.
Riêng tôm thẻ chân trắng đông lạnh là 211 lô, chủ yếu từ Ecuador và Peru. Ngoài ra có 55 lô tôm sú đông lạnh của Việt Nam và 7 lô tôm nước lạnh từ Greenland bị từ chối nhập khẩu vào Trung Quốc.
Những lý do chính khiến cho nhiều lô hàng thủy sản nhập khẩu bị cơ quan chức năng Trung Quốc từ chối cho vào nước này là phát hiện dịch bệnh động vật, không đáp ứng các yêu cầu kiểm tra và kiểm dịch, không phù hợp với giấy chứng nhận.
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chỉ trong 3 tháng đầu năm nay đã có 15/40 lô tôm của Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc bị phát hiện vi phạm chỉ tiêu an toàn dịch bệnh, dương tính với bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV), virus đốm trắng (WSSV). Trong khi cả năm 2020, số lượng lô vi phạm là 6/14 lô
Trao đổi với Tiền Phong, ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, thời gian gần đây, phía Trung Quốc liên tục cảnh báo một số lô hàng tôm đông lạnh, tôm của Việt Nam dù đã xử lý nhiệt nhưng lại bị phát hiện dương tính với bệnh IHHNV và WSSV.
"Hiện Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã yêu cầu cơ quan kiểm dịch Trung Quốc đưa ra cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý về cảnh báo bệnh IHHNV, WSSV đối với sản phẩm tôm đã xử lý nhiệt và bằng chứng về đánh giá rủi ro đối với các cảnh báo bệnh IHHNV, WSSV đối với sản phẩm tôm đông lạnh chưa bóc vỏ, bỏ đầu của Việt Nam", ông Phong cho hay.
Ngoài thị trường Trung Quốc, theo ông Phong một số quốc gia nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam liên tục có những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu.
Để đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, và dịch bệnh, ông Phong cho rằng, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm về chất lượng, an toàn thực phẩm, xuất xứ nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi sản xuất, tổ chức hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh trên địa bàn, cảnh báo sớm dịch bệnh trên thủy sản để kịp thời khuyến nghị và hướng dẫn người nuôi phòng trị bệnh hiệu quả.