5 triệu hộ kinh doanh sẽ được định nghĩa như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việt Nam hiện có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, nhưng quy định hiện hành để công nhận và xác định địa vị pháp lý cho hộ kinh doanh còn chưa rõ ràng. Cơ quan quản lý vẫn đang đi tìm định nghĩa thế nào là hộ kinh doanh, để thuận tiện cho việc quản lý, nộp thuế...

Tại dự thảo nghị định về hộ kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra 2 phương án quy định về đối tượng thành lập hộ kinh doanh. Phương án 1 giữ nguyên quy định hiện hành, đối tượng thành lập hộ kinh doanh là cá nhân và thành viên hộ gia đình. Phương án 2, đối tượng thành lập hộ kinh doanh chỉ là cá nhân.

Theo số liệu thống kê của cơ quan đăng ký kinh doanh, hộ gia đình đăng ký kinh doanh chủ yếu là cá nhân. Cơ quan thuế hiện nay cũng quản lý hộ kinh doanh theo mã số cá nhân và những xử lý liên quan đối với hộ gia đình đều xử lý đối với cá nhân.

5 triệu hộ kinh doanh sẽ được định nghĩa như thế nào? ảnh 1

Đến nay, Việt Nam có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh (ảnh minh họa).

Góp ý cho dự thảo của Bộ KH&ĐT, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các quy định hiện hành để công nhận và xác định địa vị pháp lý cho hộ kinh doanh còn chưa rõ ràng. Hộ kinh doanh là chủ thể kinh doanh như thế nào so với các chủ thể kinh doanh khác trong nền kinh tế như doanh nghiệp, hợp tác xã.

Việc xây dựng một văn bản quy định về hộ kinh doanh là cần thiết, tuy nhiên, dự thảo hiện tại chỉ đang tập trung vào các quy định liên quan đến đăng ký hộ kinh doanh - các thủ tục gia nhập thị trường, chưa có các quy định về quá trình hoạt động sau khi đăng ký kinh doanh, ví dụ như: Mối quan hệ lao động giữa các thành viên trong hộ kinh doanh, vấn đề tiền lương, tiền công, vấn đề thuế trong hộ kinh doanh.

Nếu dự thảo chỉ quy định về trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh thì chúng tôi kiến nghị đổi tên của nghị định là “Nghị định về đăng ký hộ kinh doanh”.

Theo VCCI, hộ kinh doanh có những đặc điểm rất khác biệt so với doanh nghiệp, hoạt động nhỏ lẻ, đơn giản, do đó việc thiết kế thủ tục đăng ký kinh doanh cũng cần phải đảm bảo đơn giản, thuận tiện, để thu hút các chủ thể này thực hiện hoạt động đăng ký.

Về việc xác định hộ kinh doanh, VCCI đề nghị ban soạn thảo lựa chọn phương án 1, giữ nguyên như quy định hiện hành, đối tượng thành lập hộ kinh doanh là cá nhân và thành viên hộ gia đình. Theo số liệu thống kê của các cơ quan đăng ký kinh doanh, hộ gia đình đăng ký kinh doanh chủ yếu là cá nhân. Cơ quan thuế hiện nay cũng quản lý hộ kinh doanh theo mã số cá nhân và những xử lý liên quan đối với hộ gia đình đều xử lý đối với cá nhân.

Như vậy, việc quy định đối tượng thành lập hộ gia đình là cá nhân, là phù hợp về mặt thực tiễn. Tuy nhiên, hộ gia đình là chủ thể kinh doanh có tính lịch sử, việc thay đổi về khái niệm này có thể tác động đến các quy định liên quan đến hộ gia đình, và cần nghiên cứu một cách kĩ lưỡng.

MỚI - NÓNG