Thực hiện phân vùng giao thông
Phát biểu kết luận Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam” chiều 14/11, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng cần quyết liệt, bài bản hơn nữa trong khâu thực thi các biện pháp giảm ô nhiễm không khí. Trong đó tập trung vào việc lựa chọn mục tiêu ưu tiên và tập trung nguồn lực để đạt được mục tiêu đó.
“Với quyết tâm đó, Bộ TN&MT trân trọng đề xuất chọn tháng 11/2024 là điểm mốc đánh dấu cho các hành động chung tay, phối hợp liên ngành, gắn kết Trung ương và địa phương nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí đang rất được quan tâm”, Bộ trưởng nói.
Hoạt động giao thông được cho là nguồn phát thải ô nhiễm mạnh nhất tại các đô thị. Ảnh: Phú Hoàng |
PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hoá và Khoa học sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, ô nhiễm không khí là vấn đề không mới nhưng rất nóng và rất cấp bách. Bà đề xuất lựa chọn mục tiêu ngắn hạn trong 3-5 năm, tập trung nguồn lực thực hiện mục tiêu đó và xây dựng công cụ giám sát thực hiện.
Một trong các giải pháp được các nhà quản lý, chuyên gia đề cập nhiều nhất là vấn đề kiểm soát các nguồn phát thải. Đầu tiên là từ hoạt động giao thông - nguồn phát thải được nhận diện là lớn nhất hiện nay. Với nguồn thải này, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm ban hành và áp dụng quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn khí thải với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ ô tô, xe máy sản xuất mới và nhập khẩu.
Ông cũng đề xuất áp dụng biện pháp kỹ thuật cần thiết như tăng cường phun sương hoặc rửa đường thí điểm, có thể dưới hình thức tự động, trong khung thời gian từ 12h đêm đến 6h sáng để xử lý tình huống xảy ra ô nhiễm nghiêm trọng, báo động.
Hà Nội đang bước vào mùa ô nhiễm không khí nghiêm trọng, từ tháng 10 đến khoảng tháng 3 năm sau. Ảnh: Mạnh Thắng |
Với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lưu hành, ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường thông tin thêm, Bộ TN&MT, đã xây dựng dự thảo quy chuẩn Việt Nam khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành, đang được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, đồng thời xây dựng dự thảo Lộ trình áp dụng quy chuẩn Việt Nam khí thải phương tiện ô tô đang lưu hành để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.
Bên cạnh đó, ông Nam cho rằng, cần xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông công cộng chất lượng cao và phủ sóng khắp các khu vực đô thị, giúp người dân có thể dễ dàng lựa chọn phương tiện công cộng thay vì sử dụng xe cá nhân. Trong đó có việc thiết lập các khu vực hạn chế phương tiện cá nhân trong giờ cao điểm, đặc biệt là ở các khu vực đông dân cư và trung tâm thành phố. Khuyến khích sử dụng xe đạp và phương tiện công cộng bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ bao phủ rộng, thuận tiện cho người dân.
Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải công nghiệp lớn
Đối với các nguồn thải lớn phát sinh từ hoạt động công nghiệp, làng nghề, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, Bộ tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở phát sinh bụi, khí thải lớn thực hiện nghiêm các biện pháp quan trắc tại nguồn. Thực hiện kiểm soát, xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đồng thời đôn đốc, giám sát các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT theo quy định để kiểm soát chặt chẽ.
Xử phạt nghiêm hành vi đốt rơm rạ
Bộ trưởng TN&MT Đỗ Đức Duy (ảnh) cho rằng đã đến lúc chúng ta cần xử lý nghiêm các hành vi đốt rác thải, phụ phẩm nông nghiệp, lá cây, sinh khối từ dọn dẹp vệ sinh đường phố, gây ô nhiễm không khí. Ông đề xuất cần xem xét vấn đề đốt vàng mã, nhất là đốt vàng mã tại các cơ sở tín ngưỡng vào các dịp lễ, tết. Đây là nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí cần giảm thiểu.
Tư lệnh ngành môi trường cũng đề nghị hệ thống báo chí, truyền thông hỗ trợ cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cấp cập nhật, phản ánh thông tin kịp thời đối với các hiện tượng đốt chất thải, phụ phẩm nông nghiệp không đúng quy định. Ông đề nghị các địa phương, nhất là UBND cấp xã khu vực “vùng thủ đô” khi tiếp nhận thông tin cần khẩn trương, kịp thời có những động thái quyết liệt để ngăn chặn, cần thiết có thể xử lý vi phạm hành chính.
Theo ông Lê Hoài Nam, thực tế hiện nay đòi hỏi các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cần phải được rà soát, sửa đổi theo hướng nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn để đảm bảo đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường, phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường.
Vì vậy, Bộ TN&MT đã tổ chức nghiên cứu, rà soát hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia của Việt Nam, xây dựng một dự thảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải công nghiệp chung thay thế cho các quy chuẩn nêu trên nhằm kiểm soát thống nhất khí thải công nghiệp phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
“Trong đó, đã quy định cụ thể hơn đối với việc kiểm soát thông số ô nhiễm theo loại hình thiết bị xả thải và quy định giá trị giới hạn cho phép trong khí thải theo hướng nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn”, ông Nam nói.
Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Trong đó, xác định rõ đối tượng phải chịu phí và phương pháp tính phí tập trung vào các cơ sở phát sinh khí thải công nghiệp với lưu lượng lớn, xả thải nhiều bụi, chất gây ô nhiễm môi trường không khí. Đồng thời quy định về mức phí ưu đãi khuyến khích áp dụng công nghệ xử lý khí thải tiên tiến.
Bên cạnh đó, sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giám sát các nguồn phát sinh bụi, khí thải lớn.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị UBND các tỉnh khẩn trương rà soát, có lộ trình di dời các cơ sở thuộc nhóm phát sinh khí thải lớn ra khỏi khu vực đô thị, khu dân cư tập trung.
“Kiên quyết đóng cửa cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật, tập trung xử lý ô nhiễm làng nghề, trong đó có các làng nghề quanh khu vực ngoại thành Hà Nội và phụ cận”, Bộ trưởng nói.
Nguồn thải sẽ ngày càng nhiều
Theo TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, ô nhiễm không khí đã nghiêm trọng đến mức người dân dùng từ “mùa ô nhiễm” thay cho mùa đông, nhất là miền Bắc. Ông Tùng cho rằng, trong bối cảnh phát triển kinh tế như hiện nay sẽ còn xuất hiện thêm nhiều nguồn thải mới, chất ô nhiễm mới như khí thải từ lò đốt rác phát điện.
“Ngay Hà Nội chúng ta có nhà máy đốt rác phát thải Thiên Ý với lượng khí thải khổng lồ, chúng ta sẽ kiểm soát như thế nào?”, ông Tùng đặt vấn đề và cho hay, vấn đề ô nhiễm không khí được nhận thức từ nhiều năm trước nhưng chất lượng không khí ngày càng suy giảm chứng tỏ các công cụ của chúng ta chưa hiệu quả, cần các giải pháp quyết liệt, đồng bộ trong thời gian tới, đặc biệt là sự vào cuộc của chính quyền các cấp.