1. Dứa
Dứa rất giàu vitamin B1, B2, C, PP, caroten, acid hữu cơ và các chất khoáng như sắt, canxi, phospho… Nhưng trong dứa cũng có nhiều axit hữu cơ và có một số enzyme có tác dụng làm tiêu protein, không có lợi cho những người đang bị đau dạ dày, làm tăng viêm loét niêm mạc dạ dày.
Vì thế, nếu bạn mắc bệnh dạ dày, bạn không nên ăn dứa hoặc hạn chế ở mức tối đa. Với người không bị đau dạ dày cũng không nên ăn dứa vào lúc đói, vì các axit hữu cơ của dứa có thể tác động mạnh vào niêm mạc dạ dày, ruột, dễ gây cảm giác nôn nao, khó chịu.
2. Chanh
Quả chanh chứa một số acid hữu cơ, glucid, vitamin C, B1, B2, PP, đường, canxi, phospho, sắt... Các thành phần trong chanh có tác dụng kích thích dạ dày tiết dịch để phân giải thức ăn, tăng nhu động dạ dày ruột, giúp hấp thụ tiêu hoá tốt hơn.
Tuy nhiên, với những người mắc bệnh dạ dày như viêm loét dạ dày tá tràng… tuyệt đối không nên dùng chanh. Vì lượng axit cao trong chanh sẽ bào mòn niêm mạc dạ dày, vị chua của chanh sẽ làm dạ dày tăng tiết acid gây nên những cơn đau bụng khó chịu.
3. Chuối
Chuối là loại quả nhiều vitamin, chất xơ thực vật và các khoáng chất như kali, magie, natri, có tác dụng bảo vệ da, giúp ngủ ngon, nhuận tràng thông tiểu tiện, nhuận phổi trị ho, thanh nhiệt giải độc... Nhưng chuối có tính hàn, nếu ăn quá nhiều sẽ gây ra rối loạn chức năng dạ dày - đường ruột, đồng thời gây ra mất cân bằng tỉ lệ giữa các nguyên tố kali, magie, natri, canxi trong cơ thể.
Đặc biệt, với loại chuối tiêu, nếu bạn ăn lúc đói có thể gây cồn cào, đầy bụng, khó tiêu, những người đã có bệnh viêm dạ dày tá tràng sẽ có cảm giác đau bụng nếu ăn loại chuối này.
Tốt nhất, những người bị đau dạ dày không nên ăn chuối tiêu, nếu thích, có thể ăn chuối tây, chuối cau và tuyệt đối chỉ nên ăn chuối lúc no.
4. Quýt
Quýt vốn là loại quả được nhiều người ưa dùng vì nó không chỉ dễ ăn, ngon miệng mà còn hàm chứa nhiều protein, canxi, phospho, vitamin C, vitamin B1, B2… rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong quả quýt có chứa rất nhiều đường và axit hữu cơ.
Vì vậy, nếu bạn ăn quýt lúc bụng đói thì acid hữu cơ có trong quýt sẽ kích thích niêm mạc dạ dày, lâu ngày sẽ gây ra căn bệnh đau dạ dày. Với những người đã bị bệnh dạ dày tốt nhất cũng không nên ăn quýt nhiều và thường xuyên. Nếu quýt là sở thích khó bỏ, bạn chỉ nên ăn một ít và nên ăn sau khi đã no bụng.
5. Hồng
Quả hồng chứa nhiều vitamin A, vitamin C, có tác dụng giải nhiệt, nhuận tràng… Tuy nhiên, bạn chỉ nên ăn hồng sau khi đã no vì nhựa của hồng có thể kết hợp với axit dạ dày lúc dạ dày trống rỗng, tạo thành những cục nhỏ khó hòa tan. Những cục này nếu nhỏ có thể được thải ra theo đường phân, nhưng nếu to hơn, không thể ra ngoài được, sẽ đóng thành sỏi trong cơ thể bạn. Những người có chức năng dạ dày thấp, người mắc bệnh viêm dạ dày mãn tính, tiêu hoá không tốt đều được khuyên là không nên ăn hồng. Kể cả với người không bị bệnh dạ dày, cũng chỉ nên ăn một lượng hồng vừa phải và không nên ăn cả vỏ.