TPO - Ông Trần Minh Tuấn - Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện miền núi Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) - cho biết sạt lở núi uy hiếp nhiều trụ sở cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện. Trong đó, Liên đoàn Lao động huyện Sơn Tây bị đe dọa cao nhất vì vết sạt lở nằm… ngay trên đầu.
Suốt nhiều năm qua, cứ đến mùa mưa bão, các cán bộ, nhân viên nhiều cơ quan, đơn vị khu hành chính huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) lại lo lắng, bất an vì sạt lở núi.
Mùa mưa lũ năm 2022, bức tường chống sạt lở phía sau trụ sở không trụ được. Đất đá tràn xuống khuôn viên, ập vào nhiều phòng làm việc ở tầng trệt. Một số công trình phụ bị hư hỏng. Sau trận sạt lở năm đó, cả cơ quan phải di dời đến nơi khác làm việc.
Theo một cán bộ của Liên đoàn Lao động huyện Sơn Tây, vừa qua do mưa lớn, đất đá từ vết sạt lở núi lại đổ xuống vùi lấp phía sau trụ sở, thậm chí còn tràn vào hành lang cơ quan này.
“Sạt lở nặng nhất vào năm 2019 và năm 2022. Sau khi xảy ra sạt lở, để bảo vệ tính mạng cán bộ, nhân viên, lãnh đạo huyện đã di dời cơ quan đến làm việc tại trụ sở khác đảm bảo an toàn”, một cán bộ chia sẻ.
Dấu vết sạt lở còn in trên bức tường của trụ sở Liên đoàn Lao động huyện Sơn Tây.
Trụ hàng rào Liên đoàn Lao động huyện Sơn Tây bị đất đá đổ xuống gây hư hại nghiêm trọng.
Nhiều điểm sạt lở lớn, nhỏ chi chít dọc theo sườn núi. Nhiều vị trí sạt lở lâu năm đã ổn định địa chất, cây cối mọc um tùm.
Mùa mưa lũ năm nay, UBND huyện Sơn Tây cũng xác định khu vực có 5 cơ quan nằm trong diện nguy cơ sạt lở cao, trong đó có cả trụ sở UBND huyện Sơn Tây khi nơi này chỉ cách điểm sạt lở chừng 70 m. Vậy nên huyện đã chủ động lên phương án di dời.
Hiện, sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhiều cán bộ nhân viên làm việc tại đây lo ngại và mong muốn UBND huyện Sơn Tây sớm có giải pháp để khắc phục, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Ông Trần Minh Tuấn - Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Sơn Tây - cho biết sạt lở núi uy hiếp nhiều trụ sở cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện. Trong đó, Liên đoàn Lao động huyện Sơn Tây bị đe dọa cao nhất vì vết sạt lở nằm… ngay trên đầu.
“Huyện Sơn Tây từng tính toán làm bờ kè chống sạt lở tại khu vực này nhưng vì tốn quá nhiều kinh phí (khoảng 10 tỷ đồng) nên phải giật cấp làm ta luy, tuy nhiên sạt lở vẫn xảy ra. Hiện huyện chưa tính đến việc làm kè chống sạt lở núi tại khu vực trung tâm hành chính, chỉ vận động cơ quan nào bị ảnh hưởng thì di dời đến nơi an toàn khi có mưa bão diễn ra”, ông Tuấn thông tin.
Nhiều đoạn ta luy trên núi bị gãy, vết sạt lở ăn sâu vào bên trong, có nguy cơ đổ sập xuống bất cứ lúc nào.