Xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo tại Hà Nội:

4m2 đất cũng được xây nhà tạm

Hơn 20 trường hợp nhà siêu mỏng ở “Con đường đắt nhất hành tinh” Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu đã có phương án xử lý
Hơn 20 trường hợp nhà siêu mỏng ở “Con đường đắt nhất hành tinh” Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu đã có phương án xử lý
TP - Để giải quyết dứt điểm tình trạng nhà xây siêu mỏng, siêu méo trên tuyến đường vành đai I (đoạn Ô Chợ Dừa- Hoàng Cầu), UBND quận Đống Đa đã phối hợp với Sở QH-KT, Sở Xây dựng tiến hành khảo sát và thống nhất phương án xử lý với từng trường hợp cụ thể.

Theo UBND quận Đống Đa, trên chiều dài đoạn tuyến khoảng 513 m (đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu) có tới gần 50 công trình xây dựng siêu mỏng, siêu méo. Đến nay, UBND quận Đống Đa đã vận động người dân tự hợp khối được hơn 20 trường hợp. Hiện vẫn có 29 trường hợp, trong đó 9 trường hợp có diện tích ô đất dưới 4m2 và 20 trường hợp có diện tích từ 4 đến 15m2.

“Quận đã chủ động mời hai Sở chuyên ngành tiến hành khảo sát thực địa và đưa ra phương án xử lý của từng trường hợp”, ông Phan Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết.

Theo ông Dương Đức Tuấn, Phó Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội, để có cơ sở giải quyết các trường hợp xây dựng trên, hiện Sở đã ban hành quy định tạm thời quản lý kiến trúc, xây dựng công trình hai bên tuyến đường vành đai I, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu. Trong đó quy định về quản lý kiến trúc, xây dựng chi tiết tới từng ô quy hoạch.

Cụ thể, với các ô đất có diện tích còn lại dưới 4m2, UBND quận Đống Đa sẽ triển khai thu hồi để chỉnh trang, xây dựng các công trình phục vụ cho mục đích công cộng như bảng tin, nhà chờ xe buýt, trạm điện, vườn hoa... Tuyệt đối cấm chủ công trình tự ý sang nhượng, lấn chiếm, xây dựng mới hoặc cơi nới.

Không quản được thì “thỏa hiệp”(?)

Đối với ô đất từ 4 đến 15m2, có kích thước hình học không hợp lý, phương án xử lý đã được mở hơn. Cụ thể, chủ công trình được lựa chọn một trong hai giải pháp. Giải pháp thứ nhất, có thể xây dựng, chỉnh trang tạm với quy mô công trình cao 1 tầng, chiều cao không quá 4,5 m (tính từ cốt hè đường-PV).

Giải pháp thứ hai, chủ công trình có thể bàn giao cho UBND quận theo quy định để chỉnh trang, xây dựng phục vụ mục đích công cộng.

Trường hợp với các ô đất trên 15m2 nhưng có kích thước hình học không hợp lý để sử dụng, chủ công trình cũng được xây dựng, chỉnh trang tạm với quy mô công trình cao 1 tầng, chiều cao không quá 4,5 m hoặc thực hiện việc hợp thửa, hợp khối với công trình liền kề.

Đối với ô đất từ 4 đến 15m2, có kích thước hình học không hợp lý, chủ công trình có thể xây dựng, chỉnh trang tạm với quy mô 1 tầng, chiều cao không quá 4,5m.

Trường hợp ô đất có diện tích trên 15m2 và có kích thước hình học hợp lý để sử dụng, chủ công trình sẽ được cấp phép xây dựng tạm theo quy định. Riêng các công trình nhà ở riêng lẻ không có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất, nhưng đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, trước mắt, cho phép cải tạo, chỉnh trang chống xuống cấp theo nguyên trạng. Tuyệt đối không lấn chiếm, xây dựng mới hoặc cơi nới.

Theo ông Dương Đức Tuấn, các quy định nói trên được áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp, trong khi chờ đợi triển khai quy hoạch chi tiết tuyến phố hai bên đường vành đai I (đoạn Ô Chợ Dừa - Láng Hạ).

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, để nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên tại dự án mở đường là không chấp nhận được, làm xấu đô thị, mất bản sắc kiến trúc Thủ đô. “Qua khảo sát thực địa, liên ngành đã thống nhất phương án xử lý cho từng trường hợp cụ thể. Những trường hợp vi phạm mà không thực hiện theo các phương án đề ra sẽ kiên quyết xử lý, cưỡng chế trong tháng 4”, ông Hùng khẳng định.

MỚI - NÓNG